Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 550.736 ca tử vong trong tổng số 30.298.859 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 285.136 ca tử vong trong số 11.700.431 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 159.250 ca tử vong trong số 11.474.605 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 226 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 195 người và Slovenia 189 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 40,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 908.300 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 729.400 ca tử vong trong hơn 23,1 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 560.600 ca tử vong trong hơn 30,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 264.500 ca tử vong trong hơn 16,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 109.300 ca tử vong, châu Phi có hơn 108.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 963 người.
Tại châu Á, Trung Quốc ngày 18/3 đã ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên kể từ trung tuần tháng 2 vừa qua. Bệnh nhân là nhân viên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Tây An (Xi'an), Tây Bắc Trung Quốc. Đây là trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên ở Trung Quốc kể từ ngày 14/2. Đến nay, Trung Quốc đại lục phát hiện tổng cộng 90.072 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong. Hiện nước này đang thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng cho người dân với 4 loại vaccine sản xuất trong nước đã được phê duyệt.
Ngày 18/3, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc duy trì ở mức hơn 400 ca trong ngày thứ hai liên tiếp với số trường hợp không thể truy vết tiếp tục gia tăng, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng phát thêm đợt lây lan mạnh. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), với 445 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong ngày 18/3, trong đó có 427 ca lây nhiễm cộng đồng, tổng số ca mắc ở nước này hiện là 97.294 ca. Đáng lưu ý, số trường hợp không thể khoanh vùng, truy vết đã tăng lên hơn 25% trong 2 tuần qua, đồng nghĩa cứ 4 ca mắc COVID-19 thì có 1 ca không thể xác định nguồn lây. Bên cạnh đó, thời tiết ấm áp hơn khiến nhu cầu đi lại gia tăng đã phần nào ảnh hưởng đến công tác chống dịch của nhà chức trách.
Tại Pakistan, 3.495 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2020. Hầu hết số ca mắc mới được phát hiện ở Punjab, tỉnh lớn nhất và phát triển nhất ở nước này. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 61 ca lên thành 13.717 ca. Theo nhà chức trách Pakistan, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đang lan nhanh hơn và làm gia tăng số ca tử vong. Các bệnh viện ở nước này đang trong tình trạng quá tải. Tính đến nay, Pakistan phát hiện khoảng 616.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 13.717 ca tử vong.
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 18/3 cho biết nước này đã ghi nhận 35.871 ca mắc mới - mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 172 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi do mắc bệnh COVID-19 là 159.216 ca.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo cùng 3 tỉnh lân cận gồm Chiba, Kanagawa và Saitama kể từ ngày 21/3. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở nước này đã cải thiện đáng kể nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 tỉnh, thành từ tháng 1/2021 và cấm nhập cảnh tất cả người nước ngoài không cư trú ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Tại châu Âu, giới chức Đức ngày 18/3 thông báo có thêm 17.504 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ ngày 22/1, trong khi số ca tử vong cùng ngày cũng tăng thêm 227 ca, lên 74.132 ca. Đức đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 3 sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch trong những tuần gần đây. Hiện nhiều người Đức tỏ ra bất bình về tốc độ triển khai tiêm chủng tại nước này, khi nhà chức trách quyết định tạm dừng tiêm vaccine của AstraZeneca (Anh) trong thời gian đợi đánh giá thêm về tác dụng phụ.
Ba Lan cùng ngày cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ đầu năm tới nay, với 27.278 ca. Hiện quốc gia triệu dân này đã ghi nhận 1.984.248 ca mắc, trong đó có 48.8 ca tử vong do COVID-19. Ba Lan sẽ ban hành lệnh hạn chế mới trên toàn quốc có hiệu lực từ ngày 20/3 - 9/4 tới. Theo đó, tất cả các cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng và các cơ sở thể thao-giải trí sẽ phải đóng cửa.
Bulgaria sẽ đóng cửa tất cả trường học, nhà hàng và trung tâm thương mại cho đến ít nhất là cuối tháng này. Theo Bộ trưởng Y tế Kostadin Angelov, số ca mắc và nhập viện do COVID-19 đang có xu hướng tăng mạnh, buộc chính phủ nước này phải áp đặt các hạn chế trên toàn quốc trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 22/3. Trước đó, Chính phủ Bulgaria đã lệnh đóng cửa các nhà trẻ, rạp hát, rạp chiếu phim và phòng tập gym, đồng thời cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người. Trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 ở Bulgaria đã tăng 40%. Riêng ngày 18/3, quốc gia vùng Balkan này ghi nhận hơn 4.200 ca mắc mới và 7.804 trường hợp nhập viện, trong đó 609 trường hợp nằm phòng điều trị tích cực.
Tương tự, từ ngày 20/3, thủ đô Kiev của Ukraine sẽ bước vào một đợt phong tỏa kéo dài 3 tuần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Trong giai đoạn phong tỏa, các nhà hát và trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa, các sự kiện thi đấu thể thao được phép diễn ra nhưng không có khán giả, các quán cà phê và nhà hàng chỉ được bán mang về. Ngoài ra, tất cả trường học ở Kiev chuyển sang học trực tuyến và các công sở bố trí cho nhân viên làm việc tại nhà.
Từ cuối tuần này sẽ có thêm một số vùng tại Pháp phải áp dụng các biện pháp siết chặt của chính phủ để phòng dịch COVID-19, trong đó có thủ đô Paris và các khu vực lân cận, trong bối cảnh số ca mắc mới trong ngày ở nước này gia tăng đột biến.
Trong 24 giờ qua, Pháp công bố thêm .501 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 17/11/2020. Đến nay, Pháp ghi nhận tổng cộng 4.146.609 ca mắc COVID-19, trong đó có 91.437 ca không qua khỏi. Đã có 5.585.537 người, tương đương 8,3% dân số Pháp, được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Khoảng 2.349.027 người, tức 3,5% dân số, được tiêm 2 liều vaccine.