Ông Antonov đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong trường hợp này là "lộ trình không lối thoát".
Đại sứ Antonov nêu rõ: "LB Nga kịch liệt phản đối các cáo buộc vô căn cứ liên quan vụ đầu độc các công dân Nga Sergei và Yulia Skripal tại thành phố Salisbury hồi tháng 3/2018, vốn được Thủ tướng Anh Theresa May nhắc lại trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm 5/9".
Ông một lần nữa lưu ý: "Nga đã nhấn mạnh, lặp lại nhiều lần và ở nhiều cấp độ khác nhau, rằng nước này không liên quan đến các vụ việc ở Salisbury và Amesbury theo bất kỳ hình thức nào... Trong nhiều trường hợp, chúng tôi đã mời phía Anh cùng điều tra những vụ việc đó. Tuy nhiên, lời đề nghị đối thoại hợp lý của chúng tôi đã bị phớt lờ".
Quan chức ngoại giao Nga cũng bày tỏ: "Chúng tôi lấy làm tiếc rằng Mỹ đã nghe theo Anh và cùng tham gia tuyên bố chung hôm 6/9, trong đó nhắc lại các cáo buộc khó tin nhằm vào Nga liên quan các vụ Amesbury và Salisbury. Một lần nữa, những đe dọa trừng phạt chống chúng tôi đang được đưa ra".
Theo ông, "việc áp đặt ngày càng nhiều hạn chế nhằm vào Nga là con đường chẳng dẫn tới đâu. Đất nước chúng tôi sẽ chống lại sức ép này, song các công ty của Mỹ sẽ trở thành nạn nhân. Với sự giúp đỡ của chính quyền nước họ, những công ty này sẽ mất những lợi nhuận nghiêm trọng và từ bỏ vị thế của họ trong các thị trường của đất nước chúng tôi".
Trước đó, ngày 12/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ, cụ thể là áp đặt lệnh cấm vận trước khi ngồi vào bàn đàm phán, đang gây căng thẳng giữa hai cường quốc này.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao trẻ bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 4 tại thành phố Vladivostok, miền Viễn Đông nước Nga, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Trong hầu hết các trường hợp, Mỹ không sẵn sàng đàm phán. Đầu tiên họ tuyên bố trừng phạt, rồi gia tăng trừng phạt và sau đó mới mở cửa cho các cuộc đàm phán". Theo ông Lavrov, những chính sách như vậy thường sẽ không dẫn đến "thành công lâu dài".
Ông Lavrov nhấn mạnh nhận xét của ông không chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa Mỹ và Nga - vốn được ông đánh giá "đang ở mức độc hại nhất", mà thực tế trên còn có thể thấy rõ qua cách hành xử của Mỹ với Triều Tiên, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Nga đã và đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt kể từ năm 2014, khi căng thẳng leo thang giữa Moskva và phương Tây liên quan đến xung đột tại miền Đông Ukraine.
Mới đây, Mỹ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moskva kể từ ngày 27/8, liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Theo đó, Washington chấm dứt các hoạt động hỗ trợ, hoạt động buôn bán vũ khí và cấp tài chính dành cho Nga.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ từ chối các khoản tín dụng và cấm xuất khẩu sang Nga một số công nghệ và mặt hàng an ninh. Dự kiến, gói trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới, trong đó có cả việc hạ cấp quan hệ ngoại giao, cấm các chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot tới Mỹ, cũng như cấm các hoạt động xuất nhập khẩu.