Cảnh hạn hán tại Ahmedabad, Ấn Độ. AFP/TTXVN . |
Theo báo cáo thường niên về khí hậu toàn cầu của WMO công bố ngày 21/3, các trận bão ở Đại Tây Dương và lũ lụt tại Ấn Độ đã khiến 2017 trở thành năm thiệt hại nặng nề nhất do các hiện tượng thời tiết cực đoan. WMO dự đoán rằng năm 2018 sẽ không phải là ngoại lệ với nhiều thiệt hại về vật chất và con người.
Báo cáo cũng xác nhận kết luận sơ bộ trước đó rằng 2016 là năm ấm kỷ lục kể từ thế kỷ 19, tiếp theo là năm 2017 và năm 2015. Tình trạng này, theo WMO, là do các hoạt động của con người làm gia tăng khí phát thải nhà kính, đẩy nhanh tốc độ Trái Đất ấm lên.
Trong báo cáo trên, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhận định dù không bị tác động nhiều bởi hiện tượng El Nino, song 2017 vẫn là năm nóng nhất. Tình trạng này đã kéo nhiệt độ tại Bắc Cực tăng bất thường trong năm 2018, trong khi châu Âu và Bắc Mỹ hứng chịu mùa Đông lạnh giá hơn.
Theo ông, cho đến nay, Australia và Argentina đã hứng chịu nhiều đợt nắng nóng với nền nhiệt cao, trong khi hạn hán vẫn tiếp diễn tại một số nước châu Phi như Kenya, Somalia và thành phố Cape Town của Nam Phi.
Thời tiết cực đoan gia tăng gây ra những thiệt hại lớn. Báo cáo viện dẫn thống kê của công ty bảo hiểm Munich Re cho biết thiệt hại do thiên tai và những sự cố do khí hậu trong năm 2017 sau khi điều chỉnh theo lạm phát lên tới 320 tỷ USD.
WMO cho biết nồng độ khí CO2 trong khí quyển đã vượt ngưỡng 400 PPM, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trong 800.000 năm qua, và dự đoán mức này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, báo hiệu tương lai "ấm hơn" với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.
Cùng quan điểm này, Hội đồng Tư vấn khoa học thuộc các Viện hàn lâm châu Âu cảnh báo thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các hiện tượng thời tiết cực đoan với số các đợt lũ lụt lớn tăng 4 lần trong khi các đợt nắng nóng, hạn hán và bão lớn tăng 2 lần kể từ năm 1980.
Theo báo cáo của hội đồng trên với những số liệu thống kê từ năm 2013, số vụ lũ lụt tại châu Âu đã tăng 5 lần kể từ năm 1995. Theo Giám đốc Chương trình Khí hậu của Hội đồng Tư vấn khoa học Michael Norton, đã và sẽ xuất hiện nhiều kiểu thời tiết cực đoan hơn với tần suất thường xuyên hơn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc chính phủ đẩy mạnh các biện pháp hạn chế khí thải nhà kính.
Thiệt hại do bão gây ra tại Mỹ cũng tăng gấp đôi, từ mức trung bình 10 tỷ USD vào năm 1980 lên tới 20 tỷ USD vào năm 2015. Báo cáo này cũng phát hiện tình trạng yếu đi, thậm chí dừng hoạt động của dòng hải lưu vùng Vịnh. Điều này, theo ông Norton, hoàn toàn có thể xảy ra, và sẽ gây ra mùa Đông khắc nghiệt hơn tại Anh và tại một số nước Tây Âu.