Hoạt động tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên giảm đáng kể (hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi giữa tháng 3/2018). Ảnh: North/TTXVN |
Trên trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên độ Bắc, Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều cho hay: “Hình ảnh vệ tinh thương mại từ ngày 23/3 cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Đó là hoạt động tại bãi thử đã giảm đáng kể so với các tháng trước đó”.
Viện này cũng cho biết hoạt động đào đường hầm ở Cổng Tây, khu vực không liên quan tới bất kỳ vụ thử nào trước đây của Triều Tiên, đã hoạt động vào đầu năm nay, song hoạt động này “cùng với sự di chuyển nhân sự và phương diện cơ giới khác xung quanh bãi thử đã chậm lại đáng kể".
Trước đó, phát biểu tại thành phố Kochi, miền Tây Nhật Bản ngày 31/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono cho rằng Triều Tiên dường như “đang nỗ lực để sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân tiếp theo”, ám chỉ việc xúc đất khỏi đường hầm tại bãi thử, nơi các vụ thử hạt nhân trước đây được tiến hành. Theo hãng tin Kyodo, nhận định của ông có thể dựa trên hình ảnh vệ tinh do Mỹ cung cấp.
Trong vòng 10 năm qua, Triều Tiên đã thử vũ khí hạt nhân 6 lần, với kết quả đều tiến bộ sau mỗi lần thử. Gần đây nhất, nước này tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom - H) hôm 3/9/2017, bất chấp mọi nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc. Vụ thử đã đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, đã có nhiều dấu hiệu "tan băng" trên Bán đảo Triều Tiên. Thế giới hiện đang chú ý tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 tới, và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên có thể diễn ra cuối tháng 5.