Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, cả Berlin và Washington đều bày tỏ mong muốn thiết lập lại mối quan hệ song phương vốn nguội lạnh dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, quan điểm của hai bên về một số vấn đề gây chia rẽ vẫn khác xa nhau. Thủ tướng Đức Merkel bác bỏ sự phản đối của Mỹ cùng một số nước Đông Âu đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Mỹ và một số nước Đông Âu lo ngại rằng, với hệ thống đường ống mới chạy qua biển Baltic gần như đã hoàn thiện này, Nga có thể loại Ukraine ra khỏi lộ trình trung chuyển khí đốt tới châu Âu, khiến Kiev mất đi nguồn thu đáng kể lâu nay.
Ngoài ra, dự án này sẽ càng khiến châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Các quan chức Đức và Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán căng thẳng để giải quyết bất đồng và để tránh việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Biden đã tuyên bố đình chỉ hồi tháng 5 liên quan dự án trên. Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết Tổng thống Biden sẽ nhấn mạnh sự phản đối của ông đối với dự án trên trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Đức và việc ông đình chỉ các biện pháp trừng phạt là nhằm "tạo khoảng trống" cho ngoại giao để hai bên có thể giải quyết "những tác động tiêu cực" từ dự án.
Ngoài bất đồng liên quan tới dự án trên, Đức và Mỹ cũng khó có thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới chính sách đối với Trung Quốc. Trong suốt 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Merkel là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ kinh tế giữa Đức và châu Âu với Trung Quốc. Trái lại, chính quyền Tổng thống Biden lại coi Trung Quốc là "mối đe doạ". Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Ulrich Speck, vấn đề đối với Mỹ là việc Thủ tướng Merkel coi hiện trạng quan hệ xuyên Đại Tây Dương như hiện nay là đủ, trong khi trái lại, Tổng thống Biden lại muốn lôi kéo Đức vào chiến lược mới của ông với Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia Thorsten Benner thuộc Viện Chính sách công toàn cầu (GPPi) cho rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là lĩnh vực hai bên có thể đạt tiến bộ khi Thủ tướng Merkel có thể đảm bảo vai trò trung chuyển khí đốt như hiện nay của Ukraine cũng như thiết lập một cơ chế phản ứng, sẽ được kích hoạt trong trường hợp Nga tìm cách cắt giảm lượng khí đốt quá cảnh qua Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề Trung Quốc sẽ phức tạp hơn.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức sẽ chỉ kêu gọi Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu khí carbon và tăng cường hệ thống y tế toàn cầu. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng có khả năng kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa.
Ngoài các vấn đề trên, giữa Đức và Mỹ cũng tồn tại một số bất đồng khác, trong đó có chủ trương của Mỹ tạm dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 để giúp tăng cường sản xuất vaccine, trong khi Đức lại phản đối ý tưởng này. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn từ chối nới lỏng hạn chế đi lại đối với châu Âu.