Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1967-2022), đồng thời nằm trong kế hoạch tổ chức sự kiện Năm hợp tác khoa học kỹ thuật Nga - ASEAN (2022) của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, MGIMO, đại diện đại sứ quán các nước ASEAN tại Nga, cùng hơn 40 học giả Nga và nhiều nước chuyên nghiên cứu về ASEAN.
Diễn ra bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, các học giả tham dự hội thảo đã trình bày hơn 30 tham luận trong 5 phiên làm việc với các chủ đề: Chính sách đối ngoại của ASEAN trong bối cảnh vĩ mô khu vực; Quan hệ của các nước ASEAN với các đối tác chiến lược; Kinh nghiệm và khó khăn trong hội nhập khu vực ở ASEAN; Các nhiệm vụ cấp bách đối với phát triển bền vững các nước ASEAN và Lĩnh vực pháp lý, đối thoại văn hoá và hội thảo khoa học ở ASEAN.
Nhìn chung, các học giả tham dự hội thảo đánh giá cao vai trò và vị thế địa chiến lược quan trọng của ASEAN trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động thời gian gần đây. Các học giả đặc biệt chú trọng phân tích các mối quan hệ của ASEAN với các cường quốc hàng đầu và các đối tác đối thoại; vai trò và quan điểm của ASEAN trong nỗ lực tạo ra một cấu trúc an ninh khu vực, cũng như định hướng phát triển hơn nữa của các quốc gia trong khu vực trong các vấn đề số hoá, biến đổi khí hậu và môi trường, bảo tồn bản sắc văn hoá và quản lý dòng người di cư…
Phát biểu chào mừng ngày làm việc thứ 2 của Hội thảo, Chuyên gia Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Khoa học Á-Âu khẳng định vai trò và tầm quan trọng ngày càng tăng trong lĩnh vực chính trị và kinh tế của ASEAN trên thế giới, đặc biệt là đối với Liên bang Nga trong bối cảnh thế giới hiện nay. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đi đầu có trách nhiệm và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ASEAN.
Đánh giá sâu hơn về vai trò của Việt Nam, chuyên gia Valeria Vershinina của MGIMO khẳng định với số lượng lớn các Hiệp định thương mại và kinh tế khu vực và quốc tế được ký kết, Hà Nội có vai trò quan trọng trong Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Trong khuôn khổ ASEAN, vai trò lãnh đạo của Việt Nam được thể hiện qua các sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên cũ và mới của Hiệp hội (Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách trong Phát triển Kinh tế - Xã hội) và thúc đẩy sự thích ứng không ngừng của “những người mới đến” đối với các hoạt động hiện có ở ASEAN.
Trong vấn đề an ninh khu vực, chuyên gia Valeria Vershinina đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam vận động các nước trong khu vực đi đến ký kết Hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á, cũng như trong thúc đẩy chương trình nghị sự để tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông, khởi động đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC).