Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 24/3 cho biết các nhà khoa học Mỹ và Italy sẽ công bố thông tin này tại Hội nghị vi sinh lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng châu Âu (ECCMID) tổ chức vào tháng 4 ở Bồ Đào Nha.
Các bằng chứng cho thấy nội tạng được hiến tặng từ người từng mắc COVID-19 là an toàn và có thể cân nhắc cả nội tạng từ người hiến đang mắc COVID-19 nếu họ không có triệu chứng hoặc qua đời vì nguyên nhân không liên quan đến COVID-19.
Tiến sĩ Cameron Wolfe và Emily Eichenberger tại Trung tâm Y tế Đại học Duke ở North Carolina (Mỹ) dự kiến đưa ra lời khuyên rằng phổi hoặc ruột được ghép chỉ nên sử dụng khi người hiến tạng dương tính với virus SARS-CoV-2 trước đó 20 ngày. Trong khi đó, các cơ quan nội tạng khác có khả năng được cấy ghép an toàn nếu người hiến không tử vong vì COVID-19 hoặc mắc chứng máu đông nghiêm trọng.
Từ tháng 9/2021, Trung tâm Y tế Đại học Duke đã tiến hành đánh giá nội tạng được hiến từ người từng mắc COVID-19. Kết quả cho thấy khoảng thời gian 46 ngày sau khi phẫu thuật, những người được ghép nội tạng không hề mắc COVID-19 từ quá trình này và các nhân viên y tế điều trị họ cũng không mắc COVID-19.
Giáo sư Paolo Grossi của Đại học Insubria (Italy) và các đồng nghiệp đã tiến hành ghép tim, thận và gan từ người hiến tạng dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Grossi nhận định: “Vào năm 2022, cộng đồng ghép tạng sẽ hiểu biết hơn về việc sử dụng nội tạng từ người hiến từng mắc hoặc đang mắc COVID-19”. Vị giáo sư này cũng cẩn trọng cho rằng mặc dù các dữ liệu được công bố mang tính khuyến khích nhưng mức độ an toàn từ những người hiến tạng qua đời do mắc COVID-19 hoặc đã từng mắc COVID-19 vẫn chưa được chứng minh bởi quy mô nhỏ của nghiên cứu đã công bố.
Giáo sư Grossi kết luận: “Chúng tôi tin rằng nội tạng từ người hiến từng mắc hoặc đang mắc COVID-19 có thể an toàn đối với người nhận có miễn dịch với virus SARS-CoV-2 từ tiêm vaccine hoặc từng mắc dịch bệnh này”.