Theo hãng tin Reuters (Anh), cho đến nay, các loại vaccine COVID-19 vẫn có khả năng ngăn chặn tình trạng bệnh nặng và tử vong ở bệnh nhân nhiễm biến thể Delta, nhưng các nhà khoa học cho rằng chúng ta cần hết sức cảnh giác.
Delta vẫn thống trị toàn cầu
Biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, vẫn là biến thể nguy hiểm nhất của virus SARS-CoV-2. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại Delta là biến thể “đáng lo ngại”, nghĩa là nó có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, độc lực mạnh hơn, gây ra bệnh nặng hơn, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine và các phương pháp điều trị.
Bà Shane Crotty, nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego, nhận định “siêu năng lực” của Delta chính là khả năng lây nhiễm cao hơn của nó. Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Delta có khả năng lây lan cao gấp 2 lần so với các biến chủng trước đó của SARS-CoV-2. Các nghiên cứu khác chỉ ra Delta có nguy cơ gây bệnh nặng cao hơn so với các chủng cũ. Biến thể này cũng có thể gây ra các triệu chứng sớm hơn 2 đến 3 ngày, khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể người có ít thời gian hình thành kháng thể hơn.
Ngoài ra, người nhiễm chủng Delta có tải lượng virus ở mũi cao gấp khoảng 1.200 lần so với người nhiễm chủng gốc. Thậm chí, tải lượng virus ở người nhiễm chủng này đã tiêm vaccine cũng tương đương người chưa tiêm chủng và đều có thể lây lan virus cho người khác. Tuy nhiên, ở những người đã tiêm chủng, lượng virus giảm nhanh hơn, vì vậy họ chỉ có khả năng lây lan virus trong thời gian ngắn hơn.
Theo WHO, Delta hiện chiếm tới 99,5% tổng số trình tự gen của các ca COVID-19 toàn cầu và đã áp đảo tất cả các biến chủng khác ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Biến thể phụ của Delta
Với sự thống trị toàn cầu của Delta, nhiều chuyên gia về vaccine hiện tin rằng tất cả các biến thể trong tương lai sẽ là biến thể phụ của Delta. Một trong những biến thể phụ của Delta đang gây lo ngại hiện nay là AY.4.2 hay Delta Plus. Biến thể này đã xuất hiện ở khoảng 40 quốc gia, nhưng tập trung chủ yếu ở Anh và đang chiếm khoảng 10% các mẫu virus được giải trình tự gen.
AY.4.2 có thêm 2 đột biến bổ sung giúp virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem những đột biến này có nhiệm vụ gì. Cơ quan Y tế Anh đã xếp Delta Plus vào nhóm “biến thể cần điều tra”. Một phân tích sơ bộ cho thấy biến thể này không làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine so với Delta, nhưng có một số bằng chứng cho thấy nó có thể dễ lây lan hơn. Theo WHO, Delta Plus đã lây lan sang ít nhất 42 quốc gia, trong đó có Mỹ.
Các chuyên gia virus đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự biến đổi của Delta để phát hiện bất cứ đột biến đáng lo ngại nào có thể làm tăng khả năng lây lan hay độc lực của virus.
Giới khoa học cho rằng, các loại vaccine COVID-19 hiện vẫn có hiệu quả làm giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong, nhưng không ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Theo Tiến sĩ chuyên về vaccine Gregory Poland, để đánh bại SARS-CoV-2, thế giới có thể cần một thế hệ vaccine mới để ngăn chặn lây nhiễm.
Mới đây nhất, một loại virus đột biến của biến chủng Delta đang làm gia tăng số ca mắc COVID-19 ở 8 thành phố của Indonesia suốt 3 tuần qua. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin cho biết đó là biến thể AY.2.3 mới có nguồn gốc tại đất nước này và sở hữu những điểm tương đồng với biến thể Delta Plus bắt nguồn từ Anh. Ông Budi cho hay AY.2.3 chiếm gần 70%, hay 3.288 trong số 4.732 bộ gen của các mẫu xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh thu thập từ 12 phòng thí nghiệm trình tự gen quốc gia.