Sau một tuần bạo động đẫm máu đưa đất nước Ukraine đến bên bờ một cuộc nội chiến, các thủ lĩnh đối lập đã thành công trong việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Phần thưởng đang chờ đón họ là gì? Không gì khác ngoài tình trạng kinh tế kiệt quệ vốn là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của ông Yanukovych. Khủng hoảng kinh tế gắn với khủng hoảng chính trịNgày 23/2, Tổng thống tạm quyền Aleksandr Turchinov cho biết, kinh tế Ukraine ở trong tình trạng "nguy cấp". Theo ông này, các nguyên tắc mà chính quyền của ông Viktor Yanukovych áp dụng đã đẩy “kinh tế đến bờ vực của một thảm họa", với các biểu hiện như tài khoản của Kho bạc nước này là "hoàn toàn trống rỗng" trong khi quỹ hưu trí, đồng tiền quốc gia và hệ thống ngân hàng đang đối mặt với những khó khăn lớn. Chính phủ lâm thời Ukraine cho biết, cần một gói tài chính lên đến 35 tỉ USD trong 2 năm tới để khôi phục nền kinh tế, nhiều gấp đôi con số 15 tỉ USD mà Nga từng cam kết hỗ trợ. Công việc cũng bắt đầu ngay với việc Quốc hội hôm 24/2 đã bỏ phiếu phê chuẩn ông Stepan Kubiv, một cựu thủ lĩnh phong trào biểu tình, làm Giám đốc ngân hàng trung ương. Liền sau đó, ông Kubiv khẳng định một trong những điểm đầu tiên trong chương trình nghị sự là mời giới chức Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đến Kiev để khởi động lại tiến trình đàm phán giải ngân gói hỗ trợ tài chính.
Ông Aleksandr Turchinov phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vài ngày qua, các nước phương Tây đã tuyên bố sẵn sàng trợ giúp tài chính đối với Ukraine, một khi chính phủ mới được thành lập. Nhưng vì là tiền, nên nó sẽ không đến dễ dàng. IMF trước đó đã đưa ra những yêu cầu khắt khe cho việc giải ngân: Giảm và tiến đến xóa trợ giá năng lượng, cắt giảm chi tiêu chính phủ, chống tham nhũng. Lãnh đạo mới có thể tự do nối lại tiến trình liên kết với châu Âu, nhưng họ cũng sẽ phải đối mặt với sức ép từ Nga, kể cả về thương mại và năng lượng. “Nếu người Nga muốn lựa chọn cách gây khó dễ cho Kiev, họ có quá nhiều công cụ. Đó có thể là việc tăng giá khí gas, tẩy chay hàng hóa Ukraine, thậm chí là ngừng cung cấp khí đốt cho nước láng giềng”, Steve Pifer, cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine, hiện là chuyên gia nghiên cứu về Ukraine tại Viện Brookings cho biết.
Những câu hỏi hóc búaTại thời điểm này, Kiev đang phải đối mặt với 3 câu hỏi lớn. Số phận thỏa thuận mà ông Yanukovuych đã kí với người Nga liên quan đến gói cứu trợ 15 tỉ USD cùng với việc giảm 33% giá mua khí đốt sẽ như thế nào? Các chương trình cải cách kinh tế, năng lượng “đau thương” sẽ phải thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của IMF? Những thách thức phải xử lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong nỗ lực đưa Ukraine trở thành một nhà sản xuất khí gas trong dài hạn?
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev (phải) đề cập khả năng Moscow sẽ xem xét lại gói cứu trợ 15 tỉ USD. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cơn đau đầu có lẽ trước hết đến từ nước Nga, khi mà Moscow nắm trong tay nhiều “lá bài” quan trọng. Theo thỏa thuận kí hồi tháng 12 giữa Kiev và Moscow, giá bán khí đốt sẽ được đàm phán điều chỉnh theo từng quý. Hy vọng về một giá gas ổn định mà Bộ trưởng Năng lượng Ukraine bày tỏ hôm 24/2 ít có khả năng thành hiện thực, vì chỉ sau đó ít giờ Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev tuyên bố “giá rẻ đang gần đến thời hạn chót, rồi sẽ phải đàm phán lại với chính phủ Ukraine”. Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexey Ulyukaev cho biết, Moscow sẽ xem xét thỏa thuận mới giữa Ukraine với Liên minh châu Âu (EU) sẽ có tác động như thế nào đối với Nga và rằng liệu Ukraine có thể trở thành thành viên của khu vực tự do thương mại của EU và Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan cùng lúc hay không. Ông này cũng cho biết, thỏa thuận 15 tỉ USD hiện chưa chắc chắn, còn tùy thuộc vào “đối tác” ở Ukraine.
Một câu hỏi lớn là: Liệu Ukraine có cân bằng như cầu cải cách kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng nội địa, để đáp ứng yêu cầu của EU và IMF? Theo điều khoản thỏa thuận được đàm phán và chút nữa là đi đến kí kết hồi tháng 11 năm ngoái, Ukraine sẽ phải định giá bán đối với gas theo giá thị trường, không có hình thức trợ giá, giảm giá. Không những vậy, Kiev còn buộc phải tính mức thuế xuất khẩu năng lượng bằng đúng mức tính thuế nội địa. Đó chắc chắn sẽ là một cơn đau đầu cho những nhà hoạch định chính sách ở Ukraine: Bất kì động thái tăng giá nội địa nào đều có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính.
Cuối cùng, sau hơn 3 tháng biểu tình, việc thành lập chính phủ lâm thời, viễn cảnh liên quan bầu cử... sẽ đặt ngành năng lượng trong nước trước những khó khăn mới. Năm ngoái, Ukraine đã kí một thỏa thuận “khủng” với tập đoàn Chevron và Shell về việc thăm dò, khai thác khí đá phiến - một bước tiến về cách mạng năng lượng vốn biến Mỹ từ một nước nhập khẩu thành nước xuất khẩu khí đốt chỉ trong vài năm tới. Đầu tháng 2 vừa qua, giới chức Ukraine hy vọng sẽ hoàn tất hợp đồng này với Chevron vào tháng 3 tới. Nhưng tình trạng bất ổn đã làm cho các công ty nước ngoài không chắc được khi nào mới có thể khai thác ở Ukraine. Tuần qua, Chevron cho biết đang “theo dõi” chặt tình hình và tuyên bố vẫn cần phải được Quốc hội Ukraine thông qua một đạo luật năng lượng bổ sung thì mới có thể bắt tay vào việc triển khai dự án 10 tỉ USD này.
HT (
FP, RIA Novosti)