Theo đài Sputnik, các nhà thiên văn học cho biết Mặt Trăng có thể bị khai thác ồ ạt và hứng chịu thiệt hại không thể phục hồi trong bối cảnh hàng chục tàu thăm dò từ các nước đang chuẩn bị thực hiện sứ mệnh khai thác trong vài năm tới.
Hàng loạt các tàu thám hiểm Mặt Trăng đang được tài trợ phần lớn thông qua sáng kiến Dịch vụ tải trọng mặt trăng thương mại (CLPS) trị giá 2,6 tỷ USD của NASA. Theo website chính thức của NASA, các hợp đồng CLPS cho phép NASA hợp tác cùng với các công ty tư nhân của Mỹ để đưa khoa học và công nghệ lên bề mặt Mặt Trăng. Từ năm 2023, các công ty đã bắt đầu việc chuyển giao phương tiện và công nghệ nhằm thực hiện các thí nghiệm khoa học, thử nghiệm công nghệ và chứng minh khả năng giúp NASA khám phá Mặt Trăng khi chuẩn bị cho các sứ mệnh của con người.
Dự kiến vào ngày 8/1 tới, tàu thăm dò Peregrine sẽ thực hiện hành trình phóng lên Mặt Trăng, đánh dấu trở thành tàu đổ bộ lên Mặt trăng đầu tiên của Mỹ kể từ tàu Apollo trước đó 50 năm. Theo NASA, sứ mệnh sẽ nhằm xác định vị trí các phân tử nước trên Mặt Trăng, đo bức xạ và khí xung quanh tàu đổ bộ cũng như đánh giá tầng ngoài của Mặt Trăng.
Tuy nhiên, một số nhà thiên văn học cảnh báo việc tiếp cận không giới hạn vào tài nguyên của Mặt Trăng có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục và có thể ảnh hưởng đến các cơ hội nghiên cứu trong tương lai.
Martin Elvis làm việc tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian, cho biết: “Vấn đề này đã trở nên cấp bách. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ vì những quyết định được đưa ra hôm nay sẽ quyết định hành vi của chúng ta trên Mặt trăng trong tương lai”.
Chia sẻ cùng quan điểm, Giáo sư Richard Green, một nhà thiên văn học từ Đại học Arizona, nói thêm: “Chúng tôi không cố gắng ngăn cản việc xây dựng các trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, chỉ có một số ít địa điểm có thể làm được việc đóvà một số trong số đó có giá trị vô cùng quý giá về mặt khoa học. Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận khi xây dựng các cơ sở nghiên cứu. Một số miệng hố sâu trên Mặt Trăng luôn nằm trong bóng tối kể từ khi Mặt Trăng hình thành hàng tỷ năm trước. Ánh sáng Mặt Trời chưa bao giờ chạm tới bề mặt đó nên chúng lạnh đến mức khó tin. Điều đó làm cho chúng rất có giá trị về mặt khoa học. Những miệng hố này có thể chứa nước ở dạng băng rất lạnh không thể bay hơi. Do đó, chúng có thể chứa thông tin về cách thức và thời điểm nước có mặt trên Mặt Trăng, cũng như trên Trái đất.
Kế hoạch thành lập cơ quan lập pháp để bảo vệ tài nguyên liên hành tinh có thể có hiệu lực vào cuối tháng này. Theo một báo cáo, một nhóm làm việc do Liên minh Thiên văn Quốc tế thành lập đang lên kế hoạch gặp gỡ các quan chức Liên hợp quốc (LHQ) để bắt đầu đàm phán.
Một nghiên cứu năm 2018 do ESA đưa ra dự đoán doanh thu hàng năm từ việc khai thác tài nguyên thiên trên Mặt Trăng có thể dao động từ 73 đến 170 tỷ USD cho đến năm 2045. Các cường quốc cũng có thể có lợi ích đối với tài nguyên Mặt Trăng, chẳng hạn như helium-3, thành phần chính của phản ứng tổng hợp hạt nhân.
“Vấn đề là phải mất nhiều thời gian để thực hiện các thay đổi đối với các hiệp ước của LHQ. Vì vậy chúng ta phải hành động ngay nếu muốn đảm bảo chúng ta có các thỏa thuận quốc tế nhằm bảo vệ các đặc điểm khoa học của Mặt Trăng và đảm bảo chúng không bị phá hủy do khai thác bừa bãi”, Giáo sư Green nhấn mạnh.
Theo các hiệp ước quốc tế đạt được từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các quốc gia bị nghiêm cấm chiếm đoạt không gian bên ngoài, Mặt trăng và các thiên thể khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không thể bị lợi dụng.