Hai năm trước, cô sinh viên sống tại Quảng Châu Lily đã mua một hộp sữa đậu nành gần hết hạn sử dụng với giá chỉ bằng 1/3 so với giá ban đầu.
Cô đã rất vui mừng khi mua được món đồ uống này và chia sẻ câu chuyện với bạn, nhưng người bạn kia nói rằng thực phẩm gần hết hạn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe. Về sau, Lily không nói với mọi người về những món đồ mình mua nữa vì sợ họ nghĩ bản thân cô là người tiết kiệm quá mức. Tuy nhiên, Lily vẫn tiếp tục mua thực phẩm gần hết hạn với giá đã được giảm. Cô thậm chí còn tham gia một cộng đồng diễn đàn trực tuyến với trên 57.000 thành viên - những người cùng sở thích chia sẻ mẹo mua thực phẩm sắp hết hạn.
“Tôi thấy trên mạng có rất nhiều người mua các loại thực phẩm tương tự và tôi yên tâm mình đã không sai”, Lily giải thích.
Đây cũng là xu hướng mới được nhiều bạn trẻ áp dụng trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi Trung Quốc thông qua Luật Chống Lãng phí Thực phẩm hồi tháng 4.
Luật quy định những nhà hàng nào khuyến khích khách hàng gọi quá nhiều đồ ăn sẽ bị phạt. Luật cũng cấm các chương trình “ăn uống” hay “thi ăn” phổ biến trên mạng xã hội. Dẫn một báo cáo năm 2020 của Quốc hội Trung Quốc, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin các thành phố đã lãng phí gần 18 tỷ kilogram thực phẩm mỗi năm.
Ngay cả trước khi luật có hiệu lực, một số siêu thị tại Trung Quốc đã đặt riêng những quầy hàng bán thực phẩm sắp hết hạn với giá giảm.
Tại siêu thị Yongwang ở Thâm Quyến (Quảng Đông), luôn có một giỏ hàng đặt cuối dãy thực phẩm để mì ý, trà, dầu ăn, sốt lẩu chỉ còn hạn trong 2 tháng. Một nhân viên họ Lưu tại đây cho biết các loại thực phẩm này bán với giá giảm 70%. Mỗi ngày, các nhân viên siêu thị phải đi kiểm tra các sản phẩm để xem không có món đồ nào đã quá hạn.
“Rõ ràng điều này đã cắt giảm tình trạng lãng phí rất nhiều. Theo quy định, siêu thị buộc phải bỏ những thực phẩm đã hết hạn”, Lưu cho hay.
Trước đây, người lớn tuổi thường “săn” những thực phẩm sắp hết hạn được bán với giá giảm để tiết kiệm tiền. Nhưng dần dần, người trẻ cũng bắt đầu gia nhập xu hướng đó.
Lily cho biết ban đầu cô cũng e ngại liệu thực phẩm gần hết hạn có thể ảnh hưởng sức khỏe của mình hay không nhưng cô không thể cưỡng lại khi nhìn thấy “giá hời” đến vậy.
“Một cửa hàng bánh giảm 50% sau 4h chiều mỗi ngày. Có những cửa hàng khác bán với giá giảm đến 70-80%. Nếu như ăn ngay, tôi sẽ chọn mua những loại thực phẩm này”, Lily giải thích.
Trên diễn đàn Douban dành cho những người thích mua thực phẩm sắp hết hạn, các thành viên liên tục chia sẻ bí quyết về các nhãn hàng, cửa hàng nào hay giảm giá hay loại thực phẩm nào có mùi vị ngon hơn.
Những đoạn video ghi lại trải nghiệm về các quầy hàng bán thực phẩm sắp hết hạn cũng rất thu hút người xem. Một vlogger đã đăng tải lên nền tảng video trực tuyến Bilibili quay nội dung tới một cửa hàng ở Bắc Kinh mua các loại đồ ăn vặt với giá chỉ 100 nhân dân tệ.
Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, các cửa hàng và khu lưu trữ dành riêng cho thực phẩm sắp hết hạn cũng xuất hiện ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, hiện thực phẩm sắp hết hạn sử dụng vẫn chỉ là một thị trường nhỏ lẻ, tập trung phục vụ một kiểu khách hàng cụ thể do Chính phủ Trung Quốc chưa có chính sách khuyến khích hành vi mua sắm như vậy hoặc điều tiết thị trường.