Động thái này sẽ giáng một đòn đau vào luật bản quyền của Liên minh châu Âu (EU), vừa được thông qua tháng 3 năm nay.
Tuy nhiên, Google cho biết sẽ chỉ hiển thị trong kết quả tìm kiếm và trên Google News những sản phẩm thông tin của các tổ hợp truyền thông đã cho phép Google sử dụng miễn phí.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Pháp trở thành nước châu Âu đầu tiên phê chuẩn luật cải cách bản quyền của EU tháng 7 vừa qua. Luật mới nhằm đảm bảo rằng các công ty truyền thông được thanh toán nhuận bút cho các nội dung gốc được hiển thị trên Google, Facebook và các đại gia công nghệ khác đang chế ngự thị trường quảng cáo trên mạng. Quy định mới tạo ra "các quyền kề cận" để bảo vệ bản quyền - và trả tiền nhuận bút - cho các công ty truyền thông khi nội dung của họ được sử dụng trên các trang mạng khác như các công cụ tìm kiếm.
Phát biểu với báo giới tại Paris, phó Giám đốc tin tức của Google, Richard Gingras cho biết một hãng tin có trụ sở tại châu Âu sẽ phải quyết định liệu họ có cho phép Google hiển thị "những đoạn nhỏ" nội dung hoặc các hình ảnh điển hình trên các kết quả tìm kiếm tại Pháp hay không. Nếu họ đồng ý, các hãng tin sẽ không nhận được tiền nhuận bút từ Google. Nếu họ không đồng ý, chỉ tiêu đề hoặc một đường link dẫn tới nội dung của họ được hiển thị trên kết quả tìm kiếm, và điều này sẽ khiến thông tin đó sẽ không còn nổi bật.
Động thái của Google cũng là một đòn giáng mạnh đối với các tổ chức truyền thông, vốn thu được tiền từ quảng cáo nhờ Google, Facebook và các công ty internet khác của Mỹ. Nếu họ từ chối Google, độc giả online sẽ giảm, vì người dùng Internet thường chọn vào các kết quả có nội dung và hình ảnh hơn là những đường link đơn điệu.