Các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận khoảng 5.000 tỷ tấn băng đã biến mất khỏi bề mặt dải băng Greenland trong hai thập kỷ qua, nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao. Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tổng hợp gần 240.000 hình ảnh vệ tinh về các vị trí cuối sông băng - nơi các sông băng gặp đại dương - từ năm 1985 - 2022, theo đó phát hiện ra rằng hơn 1.000 tỷ tấn băng quanh rìa Greenland, tương đương 20% lượng băng tại đây, đã biến mất trong 4 thập kỷ qua và lượng băng biến mất này chưa được tính trong các nghiên cứu trước đây.
Phát biểu với báo giới, tác giả chính của nghiên cứu trên, ông Chad Greene, một nhà nghiên cứu về sông băng tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cho biết: "Gần như mọi sông băng ở Greenland đều mỏng đi hoặc giảm diện tích trong vài thập kỷ qua. Trong những thập kỷ gần đây, dải băng Greenland đã mất nhiều băng hơn đáng kể so với ước tính trước đây”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể báo trước tình trạng tan băng hơn nữa, khiến các sông băng dễ trôi về phía biển hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các sông băng ở Greenland đã thu hẹp đáng kể nhất so với các sông băng khác kể từ năm 1985. Tình trạng băng tan ở dải băng Greenland - dải băng lớn thứ hai thế giới sau dải băng Nam Cực - ước tính đã đóng góp hơn 20% vào mực nước biển dâng cao kể từ năm 2002. Mực nước biển dâng cao có thể làm tăng lũ lụt ở các cộng đồng ven biển và hải đảo, nơi sinh sống của hàng trăm triệu người, và có thể nhấn chìm toàn bộ các quốc đảo và thành phố ven biển.
Theo cơ quan giám sát khí hậu của châu Âu (Copernicus), năm 2023 là năm nóng kỷ lục và nhiệt độ đại dương "cao liên tục và bất thường". Với tốc độ nóng lên nhanh hơn khoảng 4 lần so với các nơi khác trên hành tinh, Bắc Cực đã chứng kiến mùa Hè ấm nhất từ trước đến nay vào năm 2023, kết quả của tình trạng gia tăng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Sự nóng lên của bầu khí quyển có thể khiến băng tan trên bề mặt sông băng chảy xuống đáy dải băng, khiến băng tan nhiều hơn.
Các đại dương ấm hơn, nơi đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa do ô nhiễm carbon con người gây ra, có liên quan đến sự tan chảy các thềm băng quan trọng làm đệm cho các dải băng rộng lớn ở Greenland và Nam Cực.
Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại về một tác động tiềm ẩn khác: sự gián đoạn của các dòng hải lưu nước sâu, vốn là nguyên nhân chính gây ra các hình thái thời tiết toàn cầu. Lượng nước ngọt tràn vào đại dương này có thể ảnh hưởng đến Vòng tuần hoàn Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC), một hệ thống rộng lớn điều chỉnh quá trình truyền nhiệt toàn cầu từ vùng nhiệt đới sang bán cầu Bắc.
Năm 2023, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã cảnh báo rằng những thay đổi của AMOC và các tảng băng tan nằm trong số những yếu tố khiến nhân loại phải đối mặt với mối đe dọa "chưa từng có".