Theo đài RT (Nga), bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng ở cả hai quốc gia, ông Jetten nói rằng Đức có khả năng vẫn sẽ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này.
Vào năm ngoái, Đức đã đóng cửa 3 trong số 6 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng và đang chuẩn bị đóng cửa 3 nhà máy còn lại vào cuối năm nay. Động thái này diễn ra ngay cả sau khi Berlin đơn phương dừng phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2, giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga thông qua các đường ống khác và khi năng lượng tái tạo mang lại hiệu quả mờ nhạt cho cường quốc công nghiệp chiếm ưu thế của châu Âu.
Trong khi đó, Hà Lan đang có kế hoạch ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga trong năm nay. Chính phủ nước này đang cân nhắc khai thác mỏ khí đốt ở tỉnh Groningen và giới chức đang tìm kiếm sự giúp đỡ của nước láng giềng.
“Tôi chỉ hỏi họ về mặt kỹ thuật, có thể duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hay không”, ông Jetten cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Hague. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận rằng Đức đã triển khai rất nhiều biện pháp để đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và có lẽ họ không còn đủ nhiên liệu để duy trì vận hành các nhà máy này lâu thêm nữa.
Trong khi đó, 3 công ty vận hành ba nhà máy của Đức đều đã loại trừ khả năng kéo dài tuổi thọ của các cơ sở này. Hơn nữa, dù một số chính trị gia ở Berlin đã kêu gọi kéo dài thời gian hoạt động, chính phủ liên minh - trong đó đảng Xanh chống hạt nhân - đã từ chối nuôi hy vọng cho ý tưởng này.
Sản lượng công nghiệp của Đức đã sụt giảm nghiêm trọng. Vào tháng 5, Đức đã ghi nhận tình trạng thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau 30 năm. Một số thành phố của nước này đã phải tiến hành phân bổ nước nóng đã cho người dân. Hôm 6/7, tờ Bild cảnh báo một “cuộc khủng hoảng khí đốt khổng lồ” sắp bùng phát trong mùa đông này.
Trong khi đó, tại Hà Lan, trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt, ngoài khả năng khai thác mỏ Groningen, nước này đã tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng bằng đường biển. Amsterdam cũng có kế hoạch khởi động 2 nhà máy điện hạt nhân mới vào những năm 2030 và duy trì hoạt động lò phản ứng hạt nhân duy nhất của nước này cho đến năm 2033 hoặc lâu hơn.
Trước đó, Ủy viên Thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton cũng đã kêu gọi Đức duy trì vận hành các nhà máy điện hạt nhân của nước này thêm một thời gian nữa. Theo ông, việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân tại Đức là vì lợi ích của cả châu Âu, trong bối cảnh Nga đã cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực này.
Liên quan vấn đề nguồn cung năng lượng, người phát ngôn Bộ Kinh tế liên bang Đức Beate Baron cho biết bộ đang đàm phán với EU và Canada để đưa trở lại tuabin khí của hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đang bị mắc kẹt ở Canada sau thời gian bảo trì. Các tuabin trên do hãng Siemens của Đức sản xuất và đang được bảo trì ở Canada, quốc gia đã áp lệnh cấm xuất khẩu các dịch vụ phục vụ lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và hóa chất của Nga liên quan vấn đề Ukraine.
Trước đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã giảm nguồn cung xuất khẩu khí đốt tới châu Âu qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc, do vấn đề kỹ thuật. Theo Bộ Kinh tế Đức, nước này đang tiếp tục nỗ lực lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, song do giá khí đốt cao nên tình hình ngày càng khó khăn.