Đây là nghị quyết đầu tiên của phe Dân chủ trong Hạ viện Mỹ nhằm lên án Tổng thống Trump. Văn kiện này mang nặng tính đảng phái khi nhận được sự ủng hộ của toàn thể các nhà lập pháp Dân chủ, và chỉ một số ít Hạ nghị sĩ Cộng hòa.
Nghị quyết nhấn mạnh, phát biểu của Tổng thống Trump trên trang mạng xã hội Twitter ngày 14/7 "đã hợp thức hóa, làm tăng nỗi lo sợ và sự căm ghét đối với những người Mỹ mới và người da màu". Nghị quyết nêu rõ, Hạ viện kiên quyết duy trì nước Mỹ mở rộng cánh cửa đối với những người xin tị nạn hợp pháp.
Nghị quyết dài 4 trang đã viện dẫn phát biểu năm 1989 của cựu Tổng thống Ronald Reagan thuộc đảng Cộng hòa rằng Mỹ có được sức mạnh "từ mọi nước và mọi nơi trên thế giới" và nếu Mỹ đóng cửa đối với người nhập cư thì "vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới sẽ sớm bị đánh mất".
Về phần mình, ông chủ Nhà Trắng phản đối nghị quyết mà ông gọi là "trò đùa" nói trên. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump khẳng định nội dung dòng trạng thái đăng trên Twitter của ông nhằm vào các nữ nghị sĩ Mỹ không hề mang tính phân biệt chủng tộc.
Ông nhấn mạnh: "Những dòng Tweets đó không phải là phân biệt chủng tộc. Không có khái niệm phân biệt chủng tộc trong con người tôi. Cái gọi là cuộc bỏ phiếu này chỉ là một trò đùa do phe Dân chủ phát động. Các thành viên đảng Cộng hòa không nên thể hiện sự non kém và rơi vào bẫy của họ".
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy cùng ngày cho rằng nghị quyết của đảng Dân chủ "tất cả chỉ nhằm mục đích chính trị", đồng thời kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa phản đối văn kiện này.
Ngày 14/7, Tổng thống Trump sau đó đăng trên mạng xã hội Twitter rằng nếu các nghị sĩ “ghét nước Mỹ” thì họ có thể quay trở về “góp sức cải thiện quê hương nhiều tội phạm và bị tàn phá” sau đó “trở lại Mỹ và chia sẻ kinh nghiệm”.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết nội dung trên Twitter của Tổng thống Trump trực tiếp nhắm đến 4 nữ nghị sĩ đảng Dân chủ là Ilhan Omar, Alexandria Ocasio-Cortez, Ayanna Pressley và Rashida Tlaib. Tất cả những nữ nghị sĩ này đều là công dân Mỹ, trong đó có 3 người được sinh ra trên lãnh thổ Mỹ.
Nội dung đăng Twitter của Tổng thống Trump khiến nhiều người liên tưởng đến câu nói phân biệt chủng tộc mà người da màu tại Mỹ thường vấp phải là "quay trở về châu Phi".
Bà Erika Almiron (42 tuổi) là người nhập cư từ Paraguay cho biết đã nhiều lần nghe câu nói tương tự về việc “quay trở về quê hương” từ khi bà còn nhỏ và học tại trường tiểu học đa số học sinh người da trắng. Bà Almiron nói: “Lúc đó, tôi chỉ nói rằng minh sinh ra tại Nam Philly vậy các bạn muốn tôi phải làm gì?”.
Đối với nhiều người Mỹ, nội dung Tổng thống Trump đăng ngày 14/7 trên Twitter đã gửi đi thông điệp rằng họ không được chào đón tại chính đất nước của mình. Câu nói “quay trở về quê hương” gợi nhớ đến những khoảnh khắc gây tổn thương trong cuộc sống của họ.
Ngày 15/7, Tổng thống Trump phát biểu với các phóng viên rằng ông không lo ngại về những lời chỉ trích bởi “có rất nhiều người đồng ý với tôi”.
Ông Rashad Robinson tại tổ chức nhân quyền Color of Change nhận xét: “Điều này là cái kết cho khẩu hiệu ‘Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại’, vì nó tạo định kiến rằng nước Mỹ chỉ tuyệt vời khi có một số người phải ra đi”.
Doanh nhân Michael Rashid (72 tuổi) tại Philadelphia đánh giá tuyên bố của Tổng thống Trump gợi nhớ về việc cách đó hơn một thập niên, một người phụ nữ nói rằng ông “nên quay trở về châu Phi”.
Trong cuộc khảo sát ý kiến do AP kết hợp cùng Trung tâm nghiên cứu NORC thực hiện tháng 2/2017, một nửa những người Mỹ được hỏi cho biết việc pha trộn nền văn hóa và giá trị từ nhiều nơi trên thế giới là một bản sắc quan trọng của nước Mỹ.