Theo hãng tin Reuters, ngày 16/7, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ muốn hỗ trợ và làm việc với Iran, chứ không tìm cách thay đổi chế độ. Tuy nhiên, ông kêu gọi Iran "rút khỏi" Yemen, quốc gia đang bị cuộc nội chiến tàn phá từ năm 2015 tới nay.
Tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp Nội các sáng 16/7 (theo giờ Washington D.C) tại Nhà Trắng.
Đây là phát biểu được đánh giá là sẽ góp phần tháo ngòi căng thẳng từng có thời điểm đẩy quan hệ Washington-Tehran tới bên bờ một cuộc chiến trong thời gian vừa qua.
Tổng thống Trump không tiết lộ tiến bộ đó là gì, song Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại một cuộc họp rằng Iran đã ngỏ ý sẵn sàng đàm phán về chương trình tên lửa của nước này.
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ NBC, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng tuyên bố Tehran sẵn sàng tham vấn với Washington, nếu các lệnh trừng phạt đã áp đặt chống nước Cộng hòa Hồi giáo này được dỡ bỏ.
Ông Zarif nêu rõ: “Khi nào lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, khi đó sẽ xuất hiện cơ hội để đàm phán”, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp áp đặt trừng phạt của Mỹ đang làm tổn thương người dân Iran, đặc biệt là những người có nhu cầu dùng thuốc chữa bệnh và chăm sóc đặc biệt.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cho rằng Tổng thống Trump không muốn khơi mào chiến tranh với Iran, song “những quan chức thân cận với ông chủ Nhà Trắng lại muốn điều này”. Ngoại trưởng Zarif cũng đánh giá “sự tỉnh táo đã thắng thế” khi bình luận việc Tổng thống Trump từ bỏ ý định tấn công Iran hồi cuối tháng Sáu vừa qua.
Ngày 10/7, trong một động thái bất ngờ, ngày 10/7, Đài Sputnik (Nga) đưa tin Mỹ đã đề nghị bình thường hóa mối quan hệ đối địch của nước này với Iran, đổi lại việc Tehran có những bước đi tương xứng liên quan tới tham vọng hạt nhân.
Đài Sputnik (Nga) dẫn một thông cáo báo chí của Đại sứ Mỹ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Jackie Wolcott cho biết Washington đã chính thức đề nghị Tehran bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ. Đổi lại, Iran cần cam kết đảo ngược các bước đi gần đây trong chương trình hạt nhân và dừng mọi kế hoạch đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani.
Thông cáo trên có đoạn: “Mỹ đã thể hiện rõ lập trường rằng chúng tôi để ngỏ khả năng đàm phán mà không áp đặt điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đề nghị Iran khả năng bình thường hòa hoàn toàn quan hệ. Chúng tôi luôn sẵn sàng và chờ đợi một sự can dự về ngoại giao như thế”.
Đề cập về vấn đề này, Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi một lần nữa chỉ trích Washington rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đạt được với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức).
Ông Kamalvandi nhấn mạnh: “Rút khỏi JCPOA là sai lầm lớn của Mỹ. Quyết định đó đã châm ngòi cho mọi rắc rối. Châu Âu (các đối tác châu Âu tham gia JCPOA) có đủ thời gian để cứu vãn thỏa thuận”.
Trong khi đó, kênh truyền hình Press TV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10/7 cho hay Tehran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao và đàm phán hạt nhân. Ông Mousavi nhấn mạnh Iran vẫn kiên định về JCPOA, song cùng với đó là bảo vệ các quyền của nước này. Ông nhấn mạnh, Tehran không tìm kiếm căng thẳng liên quan vấn đề hạt nhân, đồng thời cho rằng các nước châu Âu nên giải quyết "nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng này" nếu họ thực sự muốn xoa dịu tình hình.