Đề xuất giải pháp cho xung đột Ukraine
Theo Tân Hoa xã, ngày 24/2, Trung Quốc đã đề xuất giải pháp chính trị gồm 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình.
Đề xuất của Trung Quốc nêu rõ các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế đã được công nhận, trong đó có các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Theo văn bản mà Trung Quốc đưa ra, nước này cũng kêu gọi từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, theo đó các bên nên cùng có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đem lại hòa bình và ổn định dài hạn cho thế giới, từ đó sẽ giúp thiết lập một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững. Các bên cũng nên ngăn chặn tình trạng đối đầu và cùng nhau hợp tác vì hòa bình và ổn định trên lục địa Á - Âu.
Trung Quốc kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình. Theo Bắc Kinh, các bên cần kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đề xuất tất cả các bên liên quan nên ủng hộ Nga và Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.
Trung Quốc cũng cho rằng cần khuyến khích và hỗ trợ tất cả các biện pháp có lợi nhằm giảm bớt mức độ khủng hoảng nhân đạo do cuộc xung đột gây ra. Ngoài ra, đề xuất của Trung Quốc cũng đề cập đến các vấn đề như bảo vệ dân thường, bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân, giảm rủi ro chiến lược, thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc, chấm dứt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định và thúc đẩy phục hồi sau xung đột.
Sau khi Trung Quốc đưa ra đề xuất giải pháp chính trị 12 điểm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đánh giá cao mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc góp phần giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình. Bà Zakharova cũng tuyên bố: “Nga sẵn sàng đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”, đồng thời nhấn mạnh điều này đồng nghĩa với việc công nhận những thực tế mới về lãnh thổ ở Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh một số yếu tố trong đề xuất của Trung Quốc về việc chấm dứt xung đột khi chúng “tương đồng với tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ”, song cho rằng chỉ quốc gia đang hứng chịu chiến tranh mới nên đứng ra đề xuất kế hoạch hòa bình. Tổng thống Ukraine cho rằng Bắc Kinh không đưa ra một kế hoạch cụ thể mà là những ý kiến, đồng thời thừa nhận không đồng tình với một số điểm khác trong đề xuất, song cũng đề cập đến khả năng Trung Quốc đứng ra làm trung gian hòa giải.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cảnh báo sau khi khi Bắc Kinh kêu gọi ngừng bắn, Moskva có thể lợi dụng bất kỳ khoảng thời gian dừng xung đột nào để củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ và bổ sung lực lượng.
Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thì nhận định đề xuất của Trung Quốc về giải quyết xung đột ở Ukraine có nhữn điểm đáng quan tâm về sử dụng vũ khí hạt nhân, trao đổi tù binh hay xuất khẩu ngũ cốc, nhưng chưa phải một kế hoạch toàn diện để dẫn đến hòa bình mà là một tài liệu… nơi Trung Quốc đưa vào các lập trường đã thể hiện từ đầu.
Cáo buộc cung cấp vũ khí sát thương
Ở một khía cạnh khác, Trung Quốc đang là tâm điểm cáo buộc chuyển vũ khí cho Nga.
Theo kênh CNN, Mỹ có thông tin tình báo nói rằng chính phủ Trung Quốc đang xem xét cung cấp cho Nga máy bay không người lái và đạn dược để sử dụng ở Ukraine.
Các nguồn tin cho biết có vẻ như Trung Quốc chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc về giá cả và loại thiết bị đang diễn ra. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã bàn luận trong vài tháng qua về việc có gửi viện trợ sát thương hay không.
Trong những tuần gần đây, theo các thông tin mà các quan chức tình báo Mỹ thu thập, Trung Quốc đang nghiêng về khả năng cung cấp vũ khí.
Tuần trước, giới chức Mỹ và đồng minh đã bắt đầu cảnh báo công khai về khả năng Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga. Ngoại trưởng Antony Blinken nói: “Dựa trên thông tin mà chúng tôi có, mối lo ngại của chúng tôi bây giờ là Trung Quốc đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương và chúng tôi đã nói rất rõ ràng với họ rằng điều đó sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng cho chúng tôi và trong mối quan hệ của chúng tôi”.
Tờ Der Spiegel của Đức là tờ đầu tiên đưa tin về việc Trung Quốc có thể cung cấp máy bay không người lái tấn công cho Nga.
Đáp lại các cáo buộc này, ngày 24/2, khi được hỏi về khả năng bán thiết bị sát thương cho Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết trong một cuộc họp báo hàng ngày: “Trung Quốc luôn thực hiện cách tiếp cận thận trọng và có trách nhiệm đối với xuất khẩu quân sự và không bán vũ khí cho các khu vực xung đột hoặc các nước tham chiến”.
Ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã đáp lại những cáo buộc của Mỹ, nói rằng lập trường của Trung Quốc đối với Ukraine chỉ có thể là thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Ông nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định ủng hộ đối thoại và hòa bình, đồng thời đóng vai trò mang tính xây dựng trong xoa dịu tình hình”.
Mới đây, ông Vương Nghị đã đến thăm Nga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva trong những tháng tới.