Người biểu tình ở hai khu vực miền đông Ukraine là Donetsk và Lugansk đã tuyên bố độc lập sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy đại đa số ủng hộ nguyện vọng này. Khu vực Donetsk thậm chí còn đề nghị Nga xem xét sáp nhập như Crimea.
Theo kết quả trưng cầu ý dân, 89% cử tri đi bỏ phiếu ở Donetsk ủng hộ độc lập với chính quyền Ukraine, trong khi tỷ lệ này ở Lugansk là 96%.
Người dân vui mừng khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố tại thành phố Lugansk ngày 12/5. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ngay sau khi có kết quả, lãnh đạo tự xưng của nước CHND Donetsk, Denis Pushilin, đã tuyên bố Donetsk là một quốc gia có chủ quyền. Sau đó ông này gửi một thông điệp tới Liên bang Nga: “Thể theo nguyện vọng của người dân CHND Donetsk và nhằm phục hồi công lý lịch sử, chúng tôi đề nghị Liên bang Nga xem xét vấn đề CHND Donetsk trở thành một phần của Liên bang Nga”. Ngoài ra, thị trưởng tự xưng của thành phố Slavyansk thuộc Donetsk đã kêu gọi điều quân Nga vào khu vực để “giúp khu vực ổn định”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau những vụ giao tranh dữ dội giữa quân chính phủ tạm quyền Ukraine và người biểu tình Slavyansk.
Tại thành phố Lugansk, phát biểu trước đoàn người tuần hành ngày 13/5, thị trưởng tự xưng Valery Bolotov tuyên bố trong tiếng reo hò của người dân: “Cử tri đã lựa chọn con đường cho phép thành lập một quốc gia độc lập”. Tuy nhiên, ông không kêu gọi Nga sáp nhập Lugansk như lãnh đạo Donetsk.
Lúc 11 giờ ngày 13/5, lãnh đạo CHND Lugansk, ông Valery Bolotov, đã bị ám sát hụt và chỉ bị thương nhẹ do vết đạn. Những kẻ tấn công không rõ danh tính đã dùng vũ khí tự động nã đạn vào ô tô của ông Bolotov. Phát ngôn viên của ông này cáo buộc chính quyền Ukraine ám sát để trả đũa cuộc trưng cầu ý dân. |
Cả hai khu vực Donetsk và Lugansk đều tuyên bố sẽ không tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine dự kiến vào ngày 25/5 tới. Cuộc bầu cử này được chính quyền lâm thời Ukraine và phương Tây hi vọng sẽ là giải pháp để đoàn kết cả nước dưới một người lãnh đạo mới. Do đó, tuyên bố của Donetsk và Lugansk có thể khiến cuộc khủng hoảng Ukraine tồi tệ hơn.
Đến nay, Nga mới chỉ đưa ra phản ứng chính thức về kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở miền đông Ukraine, theo đó tôn trọng ý nguyện của người dân khu vực này. Tuy nhiên, nước này chưa phản hồi với đề nghị sáp nhập vào Liên bang Nga của CHND Donetsk và vẫn kêu gọi đối thoại giữa chính quyền Ukraine và miền đông.
Nhận định về phản ứng của Nga, chuyên gia pháp lý quốc tế Alexander Mercouris nói với hãng tin RT rằng phản ứng này nhất quán với các chính sách trước đó của Nga về Ukraine. Ngay từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine mới nổ ra hồi tháng 2, Nga đã kêu gọi đàm phán giữa chính quyền Kiev và đại diện của các khu vực miền đông để thay đổi hiến pháp. Nga cũng hi vọng Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) có thể làm trung gian cho cuộc đàm phán này, đồng thời kêu gọi người biểu tình đi theo lộ trình giải quyết khủng hoảng của OSCE nếu chiến dịch trấn áp miền đông của lực lượng Ukraine chấm dứt.
Trong khi đó, giáo sư chính trị và lịch sử Ronald Suni ở Berlin (Đức) lưu ý rằng việc Nga chưa phản ứng với đề nghị sáp nhập của Donetsk sẽ tạo thêm thời gian, khoảng trống cho đối thoại quốc tế để giải quyết tình hình.
Thùy Dương