Trẻ em tuần hành phản đối việc hút thuốc lá tại Kolkata, Ấn Độ ngày 27/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Những con số “biết nói” này vừa được các chuyên gia công bố đúng dịp Ngày Thế giới không thuốc lá – ngày 31/5 hàng năm.
Đại hội đồng Y tế thế giới đã chọn ngày này làm Ngày Thế giới không thuốc lá từ 31 năm trước và đã có nhiều nỗ lực cùng các biện pháp ở nhiều cấp độ nhằm hạn chế tình trạng người hút thuốc gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và gây hại cho các nền kinh tế. Dù vậy, mục tiêu hiện thực một thế giới không khói thuốc lá vẫn là một chặng đường dài phía trước.
Theo báo cáo của WHO, khói thuốc lá cướp đi hơn 7 triệu sinh mạng mỗi năm, trung bình mỗi 6 giây có 1 người chết vì thuốc lá. Tính riêng trong thế kỷ 20, có hơn 100 triệu người đã tử vong do hút thuốc lá, nhiều hơn số người thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ hai (60-80 triệu người) và Chiến tranh thế giới thứ nhất (18 triệu người ).
Thế giới hiện có khoảng 1 tỷ người hút thuốc, tương đương 1/7 dân số toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc là nước có số lượng người hút thuốc đông nhất (315 triệu người), còn Indonesia có tỷ lệ dân hút thuốc cao nhất (76% dân số độ tuổi trên 15). WHO cảnh báo với tốc độ hiện tại, thuốc lá có thể là nguyên nhân tử vong của tới 1 tỷ người trong thế kỷ 21.
Những nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe đã được giới khoa học cảnh báo từ thế kỷ 20. Theo đó, hút thuốc lá đe dọa tới mọi đối tượng, là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người. Các chất độc hại trong thuốc lá và khói thuốc có thể trực tiếp, gián tiếp dẫn đến ung thư phổi, co thắt mạch vành, nhồi máu cơ tim hoặc hiện tượng thiếu máu ở chi dưới. Trong thuốc lá có khoảng 4.000 chất có hại cho con người, trong đó có hơn 200 loại chất độc hại và các chất gây nghiện, đặc biệt là nicotine. Hút 1 điếu thuốc tương đương việc tự mình cắt đi 5,5 phút cuộc sống. Do đó, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm.
Đáng chú ý, tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ người trực tiếp hút thuốc (hút thuốc chủ động) mà còn có thể ảnh hưởng trầm trọng hơn đến người hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động). Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều độc tố cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Do đó, những người không hút thuốc nhưng sống chung hay cùng làm việc với những người nghiện và hút thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, vẫn có nguy cơ bị bệnh rất cao do hít phải khói thuốc thụ động. Còn đối với phụ nữ mang thai, hít phải khói thuốc lá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi, thậm chí gây dị dạng thai nhi.
Không chỉ là vấn đề sức khỏe, một quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao cũng gây tổn thất nặng nề cho kinh tế do chi phí chữa bệnh tăng và năng suất lao động giảm. Nó còn khiến tình trạng bất bình đẳng y tế thêm tồi tệ và đói nghèo thêm trầm trọng, vì những người nghèo nhất hút thuốc lá đồng nghĩa với việc chi ít hơn cho những thứ thiết yếu như thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ. Nghiên cứu năm 2017 công bố trên tạp chí khoa học Tobacco Control cho biết thói quen hút thuốc tiêu tốn gần 6% tổng chi tiêu toàn cầu về chăm sóc sức khỏe cũng như gần 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Trước những đe dọa từ khói thuốc lá, năm 1987, Đại hội đồng Y tế thế giới đã quyết định lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu đối với những tác hại của thuốc lá. Năm 2005, Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), hiệp ước đầu tiên về chống thuốc lá toàn cầu, chính thức đi vào hiệu lực, đánh dấu một nỗ lực tầm quốc tế về xây dựng một thế giới không khói thuốc. FCTC tập trung thúc đẩy các biện pháp chống thuốc lá bao gồm: tăng thuế thuốc lá, không gian công cộng không khói thuốc, dán nhãn cảnh báo sức khỏe, cấm toàn diện quảng cáo khuyến mại thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện.
Một nghiên cứu năm 2017 của Canada phân tích dữ liệu của WHO thu thập từ 126 quốc gia, theo dõi việc thực hiện 5 chính sách quan trọng này, phần nào phản ánh hiệu quả của FCTC trong giai đoạn 2005-2015. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc giảm ở 90 quốc gia, tăng ở 24 quốc gia và giữ nguyên ở 12 quốc gia. Đáng chú ý, tỷ lệ này giảm 7.1% ở Bắc Âu và 6.8% ở Mỹ Latinh và Nam Mỹ. Đây là những khu vực mà các quốc gia đã thực hiện các chính sách kiểm soát thuốc lá có hiệu quả cao nhất đáp ứng tiêu chí của WHO. Ngược lại, tỷ lệ hút thuốc tăng 3.4% ở Tây Phi, 12.6% ở Trung Phi và 4.6% ở Bắc Phi, cũng chính là những khu vực mà các quốc gia đã thực thi rất hạn chế các chính sách theo khuyến cáo của FCTC.
Pháp là một ví dụ điển hình về thành công trong cuộc chiến chống khói thuốc lá. Theo một thăm dò sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2016-2017 của Bộ Y tế nước này, đã có một triệu người Pháp đã bỏ hút thuốc lá chỉ sau một năm, con số lớn chưa từng thấy trong suốt một thập kỷ qua. Cụ thể, vào năm 2017, có khoảng 26,9% người từ 18-75 tuổi hút thuốc mỗi ngày, so với 29,4% một năm trước đó. Số người hút thuốc giảm từ 13,2 triệu xuống 12,2 triệu người trong giai đoạn này. Đây là kết quả từ việc Chính phủ Pháp áp dụng các biện pháp như: hoàn lại tiền cho những người sử dụng các sản phẩm thay thế thuốc lá, nâng giá thuốc lá và tiến hành các chiến dịch như tháng không hút thuốc lá toàn quốc.
Anh cũng là một nước thành công với các chính sách hạn chế hút thuốc lá. Năm 2017, Anh trở thành nước có số lượng người hút thuốc ít thứ 2 châu Âu. Tại Anh, các không gian kín như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, ga tàu điện, văn phòng… đều không được phép hút thuốc. Thậm chí, nhiều khu vực sân ga ngoài trời, cửa các toà nhà, cũng có thể bị cấm. Mỗi hành động hút thuốc ở nơi không được phép, có thể bị phạt 200 bảng. Trong các quy định liên quan đến kiểm soát hút thuốc ở Anh, việc đánh vào kinh tế tỏ ra có hiệu quả rõ rệt hơn cả. Nhiều người hút thuốc đã thừa nhận động lực lớn nhất để họ bỏ thuốc lá là giá thuốc quá đắt (một bao thuốc thông thường có giá từ 8 -10 Bảng).
Có một biện pháp mà cả hai quốc gia châu Âu trên đều áp dụng rất hiệu quả đó là quy định về bao bì thuốc lá. Các bao thuốc tại Anh và Pháp đều có thiết kế tối giản, trung tính, không bắt mắt, với các hình ảnh và thông tin cảnh báo sức khỏe. Theo WHO, những cảnh báo bằng hình ảnh được chứng minh là đã giúp nhiều người bỏ thuốc lá, và 78 quốc gia sở hữu một nửa dân số thế giới hiện đang áp dụng rất tốt biện pháp này.
Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đã "mạnh tay" áp dụng các hình phạt để hạn chế hút thuốc lá. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản vừa ban hành một dự luật cứng rắn hơn về cấm hút thuốc lá. Theo nội dung dự luật sửa đổi Luật Thúc đẩy Y tế, việc hút thuốc lá sẽ bị cấm hoàn toàn tại các tòa nhà thuộc bệnh viện, trường học và các cơ quan chính phủ, kể cả ở ngoài trời cũng sẽ có khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Những người vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt tới 300.000 yen cho cá nhân và 500.000 yen cho chủ quản lý. Ngoài ra, nhiều nước khác như Ấn Độ, Singapore, Philippines, Australia, Đức, Bỉ,… cũng đều có các lệnh cấm và hạn chế hút thuốc của riêng mình.
Các biện pháp của các quốc gia tuy khác biệt nhưng tựu chung lại đều cùng một mục đích: hạn chế tình trạng người hút thuốc gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển của cộng đồng. Tuy nhiên, có một thực tế là dù đã qua nhiều thập kỷ với những chính sách khắt khe, sự tăng trưởng dân số đồng nghĩa số lượng người hút thuốc cũng tăng lên. Giới chuyên gia cũng chỉ ra một xu thế mới đáng báo động đó là nạn “dịch” hút thuốc lá đang di chuyển từ các nước giàu có sang các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong hơn 1 tỷ người hút thuốc lá hiện nay có gần 80% đang sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi đang phải gánh chịu phần lớn những hậu quả về bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá. Trước thực trạng này, cuộc chiến chống khói thuốc lá vẫn là vấn đề cấp thiết của thời đại.