Số liệu thống kê của NEC cho thấy có khoảng 172.000 cử tri tham gia đợt bầu cử sớm đầu tiên ở nước ngoài (chỉ chiếm 52% số lượng cử tri đủ điều kiện).
Tính đến nay, NEC đã quyết định tạm dừng tổ chức bỏ phiếu sớm ở 65 cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc đặt tại 40 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, theo đó khoảng 80.500 cử tri không có điều kiện tham gia cuộc bỏ phiếu sớm lần thứ nhất.
Cuộc bầu cử quốc hội khóa 21 ở Hàn Quốc đánh dấu kỷ lục có tới 35 đảng chính trị tham gia cạnh tranh 47 ghế trong quốc hội. Đây là số đảng tham gia tranh cử nhiều nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu áp dụng chế độ bầu cử nghị sĩ theo danh sách đảng năm 2004, và cũng là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên áp dụng phiên bản điều chỉnh của cơ chế bầu cử hỗn hợp, theo đó nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với đảng - một nội dung mới trong Luật bầu cử sửa đổi được Quốc hội nước này thông qua hồi cuối năm 2019.
Luật Bầu cử quy định phiếu bầu sẽ được gửi đến từng khu vực cử tri ở trong và ngoài nước sau đó các thùng phiếu sẽ được niêm phong và chuyển về cho NEC để tiến hành kiểm phiếu vào cuối ngày bầu cử (15/4). Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra thảm họa tự nhiên, chiến tranh, bạo loạn hoặc bất kỳ sự kiện tương tự nào khác và các thùng phiếu không thể chuyển về NEC (hạn chót vào 18h00 ngày 15/4), thì Ủy ban bỏ phiếu ở nước ngoài sẽ được phép kiểm phiếu tại chỗ. Ủy ban này có 5 thành viên (là cử tri Hàn Quốc đang sinh sống làm việc tại địa bàn) gồm 1 thành viên do NEC chỉ định, 3 thành viên khác do các đảng chính trị lựa chọn và thành viên cuối cùng là người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước sở tại.