Động thái này được thực hiện sau khi Nhật Bản cấp phép xuất khẩu lô hàng nguyên liệu công nghệ cao đầu tiên sang Hàn Quốc trong bối cảnh Nhật Bản đang thực hiện những hạn chế xuất khẩu sang quốc gia này.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon ngày 8/8 cho biết Bộ Thương mại Nhật Bản đã cho phép xuất khẩu sang Hàn Quốc lô hàng photoresist (chất cản quang), một trong số 3 mặt hàng nguyên liệu Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Những động thái mới nhất nói trên của Hàn Quốc và Nhật Bản được đánh giá là dấu hiệu cho khả năng hai quốc gia láng giềng hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, Nhật Bản cho biết vẫn sẽ thực hiện nghiêm ngặt các quy định hạn chế đối với hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tuyên bố này cho thấy quan hệ giữa hai nước có thể diễn biến xấu trở lại vào bất cứ thời điểm nào.
Sau khi Nhật Bản ngày 2/8 quyết định loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy, chính quyền Seoul đã đe dọa sẽ có biện pháp tương tự để đáp trả.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sáng 8/8, Chính phủ Hàn Quốc đã mở cuộc họp giữa các Bộ trưởng ban ngành hữu quan, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki, thảo luận đối sách liên quan tới việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu. Nội dung thảo luận tại cuộc họp bao gồm kế hoạch loại Nhật Bản khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu các vật tư chiến lược. Phía Hàn Quốc cuối cùng quyết định hoãn thực hiện kế hoạch này.
Hàn Quốc phân loại các quốc gia được hưởng ưu đãi về xuất khẩu là "Khu vực A", các quốc gia còn lại là "Khu vực B". Khu vực A gồm 28 quốc gia tham gia đủ 4 hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế, trong đó có Nhật Bản, Mỹ và Anh. Nếu Tokyo bị loại khỏi "Danh sách trắng" của Seoul, thì các doanh nghiệp sẽ phải trình chính phủ phê duyệt với mỗi đơn hàng xuất khẩu vật tư chiến lược sang Nhật Bản, thay vì được phê chuẩn gộp một lần như trước đây.
Cùng ngày 8/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Tokyo sẽ không thu được lợi ích nào từ động thái trả đũa thương mại đơn phương với Seoul, hoặc nếu có thì chỉ là những lợi ích nhất thời và sau cùng, cả hai nước sẽ đều chịu thiệt hại. Tổng thống Moon cũng kêu gọi Hàn Quốc cần nhân vụ việc lần này tích cực cải thiện nền tảng kinh tế và hệ sinh thái toàn ngành công nghiệp, coi đây là cơ hội để tạo ra một bước nhảy vọt mới. Đây là lần thứ ba, Tổng thống Moon Jae-in chủ trì cuộc họp của NEAC, sau lần gần nhất là vào tháng 12 năm ngoái.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.
Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.