Thông cáo báo chí của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nội dung chính của dự thảo văn bản pháp lý trên là nhằm đơn giản hóa thủ tục đăng ký khi tiếp xúc với người dân Triều Tiên. Theo đó, trong trường hợp có kế hoạch tiếp xúc với người dân Triều Tiên, công dân hoặc doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ cần khai báo với Bộ Thống nhất. Luật hiện hành có điều khoản quy định: Sau khi Bộ trưởng Bộ Thống nhất nhận được bản khai báo của người dân có thể từ chối nếu nhận định cuộc tiếp xúc có thể gây tổn hại cho hợp tác liên Triều, an ninh trật tự quốc gia và phúc lợi công cộng.
Dự thảo luật sửa đổi lần này đề cập đến nội dung: Nếu được công nhận là "trường hợp không thể khai báo trước", người dân hoặc doanh nghiệp có thể khai báo sau khi cuộc tiếp xúc diễn ra. Hiện tại, việc khai báo sau chỉ được giới hạn ở những trường hợp có lý do bất khả kháng được quy định trong Sắc lệnh Tổng thống. Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi cũng quy định: Bổ sung chính quyền địa phương là chủ thể chính của các dự án hợp tác liên Triều (thay vì chỉ có doanh nghiệp và tổ chức như luật hiện hành). Nói cách khác, nếu trước đây chính quyền địa phương phải thông qua các tổ chức, đơn vị trung gian để xúc tiến các dự án hợp tác liên Triều thì bây giờ hoàn toàn có thể tự đứng ra thực hiện các dự án liên quan.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, dự thảo luật sửa đổi lần này nhằm hướng tới kỷ niệm 30 năm ban hành "Luật giao lưu hợp tác liên Triều". Luật được sửa đổi theo phương hướng "tăng cường tự do trong giao lưu hợp tác giữa tư nhân với chính quyền địa phương, đảm bảo tính ổn định và bền vững của hợp tác hai miền Triều Tiên trong bối cảnh tình hình quốc tế và quan hệ liên Triều có nhiều chuyển biến".
Chính phủ Hàn Quốc dự định sẽ lấy ý kiến trực tuyến về dự thảo Luật giao lưu hợp tác liên Triều sửa đổi vào 14 giờ (giờ địa phương) ngày 27/5 tới và xúc tiến trình lên Quốc hội ngay trong năm nay.