Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Kim Boo-kyum xác nhận chính phủ đã quyết định tạm ngừng cuộc tập trận Ulchi, dự kiến diễn ra vào tháng 8, để phù hợp với tình hình an ninh đang thay đổi cũng như các quyết định trước đó về việc ngừng các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Cuộc tập trận Ulchi, được tiến hành từ năm 1960, là cuộc tập trận thường niên nhằm kiểm tra toàn diện năng lực kiểm soát khủng hoảng cũng như tình trạng sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Khoảng 480.000 nhân viên thuộc 4.000 cơ quan chính phủ và thể chế công tham dự cuộc tập trận. Năm 2008, cuộc tập trận Ulchi và cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc mang tên Người bảo vệ tự do đã được nhập thành cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG).
Từ lâu dư luận đã trông đợi việc thông báo quyết định ngừng cuộc tập Ulchi sau khi Seoul và Washington ngày 19/6 tuyên bố ngừng cuộc tập trận Người bảo vệ tự do, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới, một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết ngừng các cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên để đổi lấy cam kết "phi hạt nhân hóa" từ Bình Nhưỡng trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều ngày 12/6 tại Singapore. Bình Nhưỡng lâu nay vẫn chỉ trích UFG và các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là cuộc diễn tập cho hành động xâm lược.
Cũng theo Bộ trưởng Kim Boo-kyum, bắt đầu vào năm 2019, Seoul có kế hoạch kết hợp cuộc tập trận Ulchi với cuộc tập trận Taegeuk của quân đội nước này thành cuộc tập trận quân sự mới, dự định mang tên Ulchi Taeguk, trong đó có sự tham gia của tư nhân. Mục đích của cuộc tập trận Ulchi Taeguk là nhằm tăng cường khả năng chống khủng bố và các cuộc tấn công có vũ trang từ bên ngoài cũng như chống thảm họa quy mô lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết cuộc tập trận Taegu dự kiến diễn ra vào tháng 6 sẽ được tiến hành vào cuối tháng 10 do việc tạm ngừng UFG.
Cùng ngày, một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng cần đạt được tiến triển trong vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như các điều kiện khác trước khi đề cập tới việc nối lại dự án du lịch chung vốn bị đình trệ lâu nay ở núi Kumgang thuộc vùng duyên hải phía Đông Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới, quan chức trên nêu rõ: “Cần đạt tiến triển về phi hạt nhân hóa và thiết lập các điều kiện liên quan khác cho hợp tác kinh tế toàn diện (với Triều Tiên)" và hai miền Triều Tiên cũng cần thảo luận vấn đề an toàn cả các du khách. Đây được xem như một lời tái khẳng định lập trường của chính quyền Seoul, theo đó hợp tác kinh tế với Triều Tiên sẽ chỉ diễn ra khi nào Bình Nhưỡng cụ thể hóa cam kết phi hạt nhân hóa. Mỹ cũng tuyên bố duy trì các biện pháp trừng phạt cho tới khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Hàn Quốc đã ngừng tuyến du lịch tới núi Kumgang kể từ tháng 7/2008, sau khi một nữ du khách của Hàn Quốc bị một lính gác Triều Tiên bắn chết gần khu nghỉ dưỡng. Được triển khai vào năm 1998, chương trình du lịch này đã thu hút hơn 1,95 triệu du khách trước khi bị đóng cửa. Đây được xem là một trong hai dự án hợp tác kinh tế liên Triều chính, bên cạnh khu công nghiệp chung ở thị trấn biên giới Kaesong (Kê-xâng) của Triều Tiên. Hoạt động của khu công nghiệp này đã bị ngừng vào tháng 2/2016 sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.