Việc xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra biển bắt đầu được tiến hành từ tháng 8/2023 và đợt xả thứ 8 hiện đang được thực hiện. Trong giai đoạn này, Hàn Quốc đã hoàn tất 49.633 cuộc kiểm tra nồng độ phóng xạ.
Trong một báo cáo, Thứ trưởng phụ trách Văn phòng Điều phối chính sách của Chính phủ Hàn Quốc, ông Kim Jong Moon nêu rõ kết quả các cuộc kiểm tra ở các vùng biển, khu vực đánh bắt cá và nước dằn tàu biển cho thấy không có trường hợp nào vượt quá tiêu chuẩn an toàn về phóng xạ. Quan chức này cũng cho biết không có dấu hiệu người dân lo ngại như lượng tiêu thụ và tích trữ hải sản giảm mạnh do việc xả nước. Ông Kim Jong Moon nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc xả nước nhiễm xạ bởi đây là một quy trình lâu dài và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của người dân.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) điều hành nhà máy này đã phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước nhiễm các chất phóng xạ sau khi làm mát lò phản ứng. Lượng nước thải đã trải qua một quá trình xử lý và loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, trừ chất tritium. Lượng tritium còn lại sau đó được pha loãng đến tỷ lệ 1/40, nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản, trước khi được xả ra Thái Bình Dương qua một đường ống ngầm dài 1 km từ nhà máy. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.