Phóng viên TTXVN tại New York cho biết, theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu xu hướng dịch chuyển công xưởng Mỹ có tên là Reshoring Initiative, đây là đợt doanh nghiệp Mỹ đưa nhà xưởng nước ngoài trở lại Mỹ lớn nhất kể từ năm 2010. Riêng trong một tháng qua đã có hơn 10 doanh nghiệp Mỹ cho biết có ý định trở lại xây nhà máy tại Mỹ. Chẳng hạn như tập đoàn Micron Technology có trụ sở tại Idaho thông báo dự án mở rộng sản xuất trên đất Mỹ với số vốn tăng cường lên tới 40 tỷ USD. Thậm chí, nhiều tập đoàn nước ngoài như SK Group của Hàn Quốc cũng thông báo kế hoạch đầu tư 22 tỷ USD xây nhà máy bao bì, các hệ thống sạc ô tô điện tại các bang Kentucky và Tennessee.
Trao đổi với tờ Wall Street Journal ngày 23/8, giới chuyên gia sở tại nhận định đây sẽ là xu hướng dịch chuyển dài hạn do đại dịch COVID-19 đã khiến hàng loạt chuỗi cung ứng gián đoạn, thậm chí tê liệt, dù toàn cầu hóa đã là xu hướng phổ biến của cả thế giới, đặc biệt là các công ty Mỹ, trong suốt hơn 30 năm qua.
Thêm vào đó, xung đột Ukraine càng khiến những rủi ro liên quan tới chuỗi cung ứng gia tăng, buộc các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải định hướng lại, tìm cách đưa công xưởng trở về Mỹ để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp trở về nước, tạo việc làm ở quê nhà. Mới đây, Mỹ đã thông qua đạo luật khuyến khích sản xuất chíp điện tử trong nước và đạo luật giảm lạm phát. Theo đó, những công ty sản xuất chất bán dẫn, ô tô điện và dược phẩm trong nước được giảm thuế và hưởng nhiều ưu đãi khác.
Việc chú trọng cắt giảm khí thải trong sản xuất cũng là một lý do khác khiến doanh nghiệp cân nhắc trở về Mỹ bởi với cơ chế tính giá xả khí thải đang được áp dụng và sẽ được áp dụng ở nhiều nơi, việc sản xuất ở nước ngoài không còn nhiều lợi thế như trước nữa.
Tuy nhiên, xu hướng đưa công xưởng trở về Mỹ cũng chưa chắc là tin vui cho giới lao động Mỹ bởi sức ép cạnh tranh về giá sẽ khiến doanh nghiệp tìm cách thay thế nhân công lao động bằng kỹ thuật, công nghệ tự động hóa. Số liệu mới nhất do Hiệp hội Tự động hóa của Mỹ cho thấy riêng trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Bắc Mỹ đã đặt hàng 11.595 robot, trị giá 646 triệu USD, để phục vụ sản xuất. Đây là con số cao kỷ lục, vượt xa số lượng robot mà các doanh nghiệp đặt hàng trong cả năm 2021.