Hàng loạt sao K-Pop tự tử khiến người hâm mộ Hàn Quốc tự vấn lương tâm

Khi ngôi sao nhạc K-pop Sulli kết liễu sinh mạng tháng trước, người bạn tâm giao của cô là nữ ca sĩ Goo Hara đã đau buồn gửi lời chào từ biệt bạn mình qua một đoạn clip phát trực tiếp. 

Dòng nước mắt lăn dài trên má, Goo bày tỏ niềm hy vọng rằng Sulli có thể sống “như cô ấy mong muốn” trên thiên đường. “Chị sẽ sống siêng năng gấp đôi hiện nay khi em không còn nữa. Những người hâm mộ thân mến, tôi sẽ ổn thôi. Đừng lo lắng cho tôi”, cô gái 28 tuổi nói.  

Tuy nhiên, tờ New York Times đưa tin hôm 24/11 tức 6 tuần sau cái chết của Sulli, Goo Hara được phát hiện trong tình trạng tử vong tại nhà riêng ở Seoul. Cảnh sát kết luận nữ ca sĩ này đã tự tử. 

Chú thích ảnh
Goo Hara (bên trái) cũng phải chịu đựng các cuộc tấn công trên mạng xã hội giống như người bạn thân Sulli. Ảnh: AFP

Vụ tự tử của hai ngôi sao được mến mộ nhất K-pop đã khiến cộng đồng người hâm mộ tại Hàn Quốc phải tự chất vấn lương tâm mình về chuyện đang xảy ra với K-pop – ngành xuất khẩu văn hóa thành công nhất Xứ sở Kim chi.

Đáng chú ý, sau sự ra đi thương tâm của Goo Hara, số lượng người ký tên vào một lá đơn kiến nghị trực tuyến gửi đến Văn phòng Tổng thống Moon Jae-in đề nghị phạt nặng hành vi quấy rối tình dục đã tăng gấp đôi, lên 217.000 người. 

Cảnh sát trưởng thành phố Seoul, ông Lee Yong-pyo chia sẻ với các phóng viên rằng thi thể của Goo được một nữ giúp việc tìm thấy vào sáng cùng ngày. Các điều tra viên cũng phát hiện một lá thư viết tay trong đó Goo giãi bày nỗi tuyệt vọng của bản thân. Trong khi người hâm mộ kéo đến bệnh viên nơi đặt thi thể của ca sĩ 28 tuổi để thăm viếng, gia đình cô dự định tổ chức tang lễ riêng tư. 

Không chỉ nổi tiếng tại các nước châu Á, những nhóm nhạc nam – nữ K-pop như BTS hiện nay có lượng người hâm mộ đông đảo khắp thế giới. Dòng nhạc này đã lôi cuốn giới trẻ bởi sự kết hợp giữa giai điệu, hình ảnh video, trang phục thời trang cùng điệu nhảy tập thể bắt mắt. 

Tuy nhiên, các chuyên gia về ngành giải trí từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về mặt tối của nền công nghiệp K-pop đầy bê bối vốn bị giấu nhẹm đằng sau hình ảnh hào nhoáng của nó. Những đứa trẻ ở Hàn Quốc phải trải qua đào tạo suốt nhiều năm, thường bắt đầu từ tuổi thiếu niên, mài giũa kỹ năng ca hát và các bước nhảy với hy vọng gây ấn tượng với các cơ quan "quản lý ngôi sao" và đủ tiêu chuẩn để ra mắt bài hát đầu tiên.

Ngay cả sau khi họ trở thành thần tượng, tên tuổi của họ hiếm khi tồn tại lâu dài do sự xuất hiện của lớp đàn em kế cận trẻ trung hơn với ngoại hình dễ thương hơn và bước nhảy lôi cuốn hơn. 

Chỉ ở khoảng cuối 20 tuổi, sao K-pop đã bị xem là già và những thần tượng bị lu mờ này thường chuyển hướng sang lĩnh vực mới như diễn xuất hoặc hát solo hay dẫn chương trình truyền hình. Sự chuyển hướng của họ không phải lúc nào cũng thành công. 

Hiện tượng âm nhạc K-pop được phổ biến rộng rãi thông qua YouTube, Instagram, Twitter và các kênh truyền thông xã hội khác, nơi người nổi tiếng nhận được cả thư hâm mộ lẫn bình luận ghét bỏ, chế giễu mọi thứ từ ngoại hình, kỹ năng ca hát đến đời sống riêng của họ.

Ông Lee Hark-joon, một nhà báo người Hàn Quốc, người viết sách và sản xuất phim tài liệu về việc thành lập một nhóm nhạc nữ Kpop cho biết: "Ngay từ khi còn nhỏ, họ đã sống một cuộc sống máy móc. Họ hiếm có cơ hội phát triển cuộc sống học đường hay các mối quan hệ xã hội bình thường như bạn bè đồng trang lứa. Sự sụp đổ của họ có thể xảy ra đột ngột và kịch tính như cách họ vươn lên đỉnh cao của sự nổi tiếng khi còn ít tuổi”.

Theo ông Lee, nghề ca sĩ đặc biệt dễ bị tổn thương tâm lý. Họ bị soi xét kỹ lưỡng trên phương tiện truyền thông không ngừng nghỉ. Bất kỳ thông tin giả mạo nào về cuộc sống riêng tư của họ cũng bị lan truyền ngay tức khắc. 

Năm 2017, Sulli – cựu thành viên nhóm f(x), từng dự lễ tưởng niệm một ngôi sao K-pop khác là Kim Jong-hyun, 27 tuổi. Kim tự vẫn sau khi để lại bức thư tuyệt mệnh cho biết anh bị căn bệnh trầm cảm dày vò. 

Sulli, 25 tuổi, tự kết liễu sau khi cô cay đắng nói về các trò đùa ác ý trên mạng Internet nhằm vào mình, đặc biệt kể từ ngày cô tham gia chiến dịch nữ quyền ủng hộ việc không mặc áo lót. 

Goo Hara, 28 tuổi, cựu thành viên nhóm nhạc Kara, cũng phải đương đầu với các vụ tấn công trên mạng. Cư dân mạng loan tin vẻ ngoài xinh đẹp của cô là sản phẩm của phẫu thuật thẩm mỹ. Cô gái này đã thừa nhận từng sửa đuôi mắt. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn sau khi cô chia tay bạn trai là nhà tạo mẫu tóc Choi Jong-beom. Trên mạng lập tức xuất hiện tin đồn họ bị lộ clip "nóng".

"Tôi sẽ không khoan dung với những bình luận ác ý này nữa", Goo viết trên tài khoản Instagram của mình vào tháng 6, đồng thời cho biết các tin đồn đã gây ảnh hưởng đến tinh thần của cô. 

Tại thời điểm đó, cô thốt lên tuyệt vọng, cầu xin những người ghét bỏ cô hãy mủi lòng thương. "Có ai đó ở đây với một tâm hồn đẹp có thể ôm lấy những người đau khổ không?" cô gái nài nỉ.

“Giới nghệ sĩ như tôi sống chẳng dễ dàng gì. Cuộc sống riêng của chúng tôi chịu nhiều chỉ trích hơn bất kỳ ai và chúng tôi phải chịu nỗi đau không thể giãi bày với cả gia đình và bạn bè”. 

“Các bạn có thể tự hỏi bản thân mình là người thế nào trước khi bạn đăng một bình luận ác độc hay không?”. Những dòng trạng trái đau buồn này của Goo Hara trên Instagram đã bị xóa bỏ sau khi cô qua đời. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Instagram bổ sung quy định cấm các nội dung kích động tự tử
Instagram bổ sung quy định cấm các nội dung kích động tự tử

Instagram, mạng chia sẻ ảnh và video thuộc sở hữu của Facebook, đã công bố một loạt các quy định mới tăng cường hiệu quả các biện pháp cấm mọi hoạt động đăng tải và phát tán những hình ảnh có nội dung kích động các hành vi tiêu cực như tự tử hoặc tự gây thương tích ở người tham gia trang mạng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN