Sự việc trên diễn ra sau khi các nghị sĩ của Iraq không thể triệu tập một cuộc họp để tiến hành bỏ phiếu về việc thông qua các bộ trưởng mới trong Nội các.
Nhân chứng cho biết người biểu tình, tập trung bên ngoài "Vùng Xanh", nơi đặt các tòa nhà chính phủ và đại sứ quán nước ngoài, vượt qua một cây cầu bắc qua sông Tigris và hô vang khẩu hiệu yêu cầu các nghị sĩ rời khỏi quốc hội. Những người biểu tình đã kéo đổ các bức tường bao quanh "Vùng Xanh", hướng đến tòa nhà Quốc hội, cũng như kéo đổ hàng rào dây thép gai chặn ngang đường đến một trong những lối ra của "Vùng Xanh", đập phá một số xe cộ mà những người này cho là của các nghị sĩ. Không có thông báo nào về việc người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh, song lực lượng đặc nhiệm thuộc quân đội Iraq cùng các xe bọc thép đã được triển khai để bảo vệ các khu vực nhạy cảm. Chưa có lệnh giới nghiêm nào được ban bố.
Người biểu tình xuất hiện bên trong tòa nhà Quốc hội Iraq sau khi tràn qua "Vùng Xanh". Ảnh: Reuters |
Vụ việc trên xảy ra vài phút sau khi giáo sĩ Moqtada al-Sadr kết thúc bài phát biểu trên truyền hình tại thành phố Najaf, thánh địa của người Hồi giáo dòng Shi'ite, trong đó chỉ trích bế tắc chính trị tại Iraq, bác bỏ việc thông qua các thành viên Nội các được Thủ tướng Haider al-Abadi giới thiệu trước đó, song không yêu cầu người biểu tình tiến vào "Vùng Xanh".
Trước đó hôm 26/4, hàng chục nghìn người biểu tình Iraq đã chiếm một khu vực ở trung tâm thủ đô Baghdad để đòi tiến hành bỏ phiếu về cải tổ nội các với mục tiêu chống tham nhũng. Sự việc này diễn ra trong bối cảnh tình trạng chia rẽ giữa các nghị sĩ trong quốc hội đang đẩy Chính phủ Iraq rơi vào bế tắc.
Hồi tháng 3, giáo sĩ Moqtada al-Sadr đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi kéo dài hai tuần tại "Vùng Xanh", nhằm kêu gọi thành lập một chính phủ gồm các nhà kỹ trị. Ông Sadrr đã ngừng biểu tình sau khi Thủ tướng al-Abadi trình danh sách ứng viên nội các lên Quốc hội. Tuy nhiên, danh sách này đã vấp phải sự phản đối từ các đảng phái quyền lực, vốn phụ thuộc vào ngân sách và sự hỗ trợ của các bộ.
Đến ngày 31/3, Quốc hội đã bác danh sách này khiến Thủ tướng al-Abadi phải thay thế hầu hết các ứng viên do ông đề xuất bằng những cái tên khác do các phe nhóm chính trị khác đưa ra. Điều này đã gây ra các cuộc tranh cãi mạnh mẽ trong Quốc hội, dẫn đến việc bỏ phiếu về cải tổ nội các phải hoãn đến ba lần và Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi cùng hai cấp phó của ông bị bỏ phiếu bãi nhiệm vào ngày 14/4 vừa qua.