Đây là lần đầu tiên ở Anh diễn ra cuộc biểu tình của học sinh được tổ chức đồng bộ tại khoảng 60 thành phố và thị trấn trên toàn nước Anh từ Cornwall cho tới cao nguyên Scotland, yêu cầu các chính trị gia nước này cần có những hành động để đối phó với những vấn đề môi trường đang ngày một xấu đi tại nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, học sinh Anh đã kêu gọi chính phủ tuyên bố tình trạng khí hậu khẩn cấp, công khai tình trạng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sinh thái, trong khi đảm bảo những thay đổi nội dung giảng dạy về vấn đề môi trường cần được coi là ưu tiên hàng đầu trong giáo dục.
Giới trẻ cho rằng họ là những người chịu tác động nhiều nhất trong tương lai, do đó cần được tham gia vào các hoạt động hoạch định chính sách và yêu cầu hạ tuổi bầu cử của Anh từ 18 tuổi như hiện nay xuống 16 tuổi.
Phát biểu tại cuộc tuần hành ở London, bà Christiana Figueres, người từng là quan chức chống biến đổi khí hậu tại Liên hợp quốc và cũng là người đã dẫn dắt Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lịch sử, cho biết giới trẻ đã bày tỏ sự lo ngại về tương lai của mình và họ tiến hành biểu tình để yêu cầu người lớn phải đưa ra những hành động nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Bà cho rằng cuộc biểu tình đã cho thấy người lớn đã không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ trẻ em trước những tác động ngày càng xấu đi của biến đổi khí hậu.
Phong trào học sinh và những người trẻ tuổi xuống đường yêu cầu chính phủ các nước phải có trách nhiệm trong vấn đề môi trường bị hủy hoại hiện nay được khởi xướng từ nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi của Thụy Điển Greta Thunberg, người đã một mình bày tỏ sự phản đối bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển hồi tháng 8/2018.
Đến nay đã có tới 70.000 học sinh mỗi tuần tham gia tuần hành gửi đi cùng một thông điệp tại 270 thành phố, thị trấn trên toàn thế giới.