Trung tâm tiếng Việt SAPA chính là nơi khởi nguồn cho việc dạy và học tiếng Việt tại CH Séc. Bây giờ là địa chỉ quen thuộc: Trung tâm tiếng Việt Praha, được hình thành gần như ngay sau khi có Trung tâm Thương mại SAPA của người Việt tại Praha với mục đích ban đầu nhằm giúp đỡ con em trong cộng đồng người Việt tại khu vực SAPA biết, hiểu và sử dụng tốt tiếng mẹ đẻ.
Ngoài con em những người làm việc trong Trung tâm thương mại SAPA, trung tâm còn dạy tiếng Việt cho con em người Việt cũng như người Séc trong khu vực Praha và các vùng lân cận. Hiện nay mô hình này đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành của CH Séc, nơi có cộng đồng người Việt làm ăn sinh sống như Plzen, Ostrava, Brno... Tính đến nay đã có hàng nghìn lượt học sinh được học tiếng Việt tại Trung tâm.
Cháu Bùi Khánh Linh, 10 tuổi, là một học sinh đang học tiếng Việt tại Trung tâm cho biết, dù mùa Đông tuyết rơi nhiều, trời rất lạnh nhưng cháu vẫn đi học tiếng Việt vì thông qua các buổi học, các cháu không chỉ được thực hành tiếng Việt mà còn hiểu được sự đa dạng, phong phú trong văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam. Từ đó, dần hoàn thiện khả năng ngôn ngữ trong giao tiếp cũng như sinh hoạt thường ngày.
Các lớp học tiếng Việt tại Séc không chỉ thu hút các cháu học sinh người Việt mà còn cả những học sinh và người Séc lớn tuổi. Bà Martina Jakubiakova, một phụ huynh người Séc có hai con học tiếng Việt tại Trung tâm cho biết: “Tôi với chồng đã học tiếng Việt 12 năm rồi, chúng tôi muốn con học tiếng Việt để cả gia đình có thể giúp người Việt ở CH Séc. Chúng tôi đã cho cả hai cháu học tiếng Việt ở đây, khoảng một năm để làm quen văn hóa người Việt Nam, quen đồ ăn của Việt Nam và sau này sẽ sang Việt Nam để học ở Hà Nội”.
Anh Bola Ruskyzov, 40 tuổi, người Kyrgyzstan,cùng với 3 con là học viên lớp tiếng Việt tại Trung tâm tiếng Việt Praha nói: “Tôi muốn học tiếng Việt vì tôi có vợ là người Việt Nam, và công việc hiện nay của tôi liên quan đến tiếp xúc với nhiều người VN. Con cái tôi cũng muốn giao tiếp bằng tiếng Việt. Dù tôi thấy tiếng Việt cũng khó, nhưng vẫn muốn học tiếp”.
Trong 16 năm qua, nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán, các nhà hảo tâm, của các thầy cô giáo tâm huyết và ý thức cao của phụ huynh, các lớp tiếng Việt được duy trì thường xuyên và ngày càng mở rộng. Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam khi đến thăm CH Séc rất quan tâm đến việc phát triển và nâng cao hiệu quả của các lớp học tiếng Việt. Tuy nhiên, việc phát triển dạy tiếng Việt ở nước ngoài, trong đó có Cộng hòa Séc, là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi các thầy, cô phải có sự đam mê với nghề, sự kiên trì, nhiệt huyết cùng với tình yêu thương con trẻ.
Chia sẻ về những khó khăn và trải nghiệm trong quá trình dạy tiếng Việt tại Séc, cô giáo Nguyễn Thị Hường, người có thâm niên đã 5 năm dạy tiếng Việt tại Praha cho biết: “Chương trình giáo dục thiếng Việt ở Việt Nam có nhiều giáo trình, chúng tôi cũng được các thầy ở trường ngôn ngữ truyền đạt nhiều kinh nghiệm, dạy các cháu cũng giống như chương trình dạy ngoại ngữ ở Việt Nam. Khó khăn là thời gian ngắn, trong khi tiếng Việt cần phải ngấm dần cho các cháu, cần phải quan tâm chuyện trò. Văn hóa Việt Nam rất phong phú nên ảnh hưởng của gia đình sẽ có tác động lớn đối với các cháu”.
Việc dạy tiếng Việt đối với lớp trẻ ở Séc như một môn ngoại ngữ khó, cần sự chung tay góp sức trong việc khơi dậy nguồn cảm hứng cho các cháu, sự quan tâm thường xuyên của các bậc phụ huynh, như thường xuyên nói tiếng Việt ở nhà. Do đó, để tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được trong việc dạy và học tiếng Việt tại Séc, mỗi gia đình cần xác định tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ mà con em mình phải biết để hướng về quê hương đất nước, đồng thời với sự phối hợp của nhà trường, thầy cô để khuyến khích con em học tốt.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm tiếng Việt Praha tâm sự: “Về vấn đề giáo viên, hiện nay nếu muốn có giáo viên chuyên nghiệp, dạy bài bản cần phải có mức bồi dưỡng tương đối để dạy tốt, giúp phong trào dạy tiếng Việt phát triển hơn. Hiện có nhiều sinh viên, học sinh, đại học,... nhưng lại sinh ra tại Séc nên hiểu biết về tiếng Việt có mặt hạn chế hơn so với các bác, các chú lớn tuổi, vì vậy nếu thu hút được các bác các chú tham gia dạy tiếng Việt, con em sẽ hiểu biết tốt hơn, đầy đủ hơn về lịch sử, địa lý, đất nước và con người Việt Nam„.
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn là người rất quan tâm đến chương trình dạy tiếng Việt. Ông đã đề ra sáng kiến phối hợp với Hội người Việt lập giải thưởng hằng năm dành cho học sinh sinh viên học giỏi tiếng Việt.
Qua 16 năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đồng hành là sự giúp đỡ tích cực từ Đại sứ quán, đặc biệt là Ban Công tác Cộng đồng, lãnh đạo Hội người Việt, các nhà hảo tâm cũng như lòng mến trẻ, yêu nghề của các thầy cô giáo. Nhờ đó, các lớp học tiếng Việt tại Séc đã vững vàng đi đến thành công, để hôm nay trở thành phong trào dạy và học tiếng Việt được cộng đồng đánh giá cao, được dư luận và chính quyền sở tại công nhận và có chính sách hỗ trợ như đối với một thành viên của Cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc. Đó là món quà dành cho những người đã và đang trong hành trình "gieo“ tiếng mẹ đẻ trên đất Séc.