Hậu khủng bố Paris: Cơ hội lại đến với Trung Quốc?

Sau sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ, Trung Quốc đã có “10 năm phát triển hoàng kim”. Liệu rằng việc khủng bố tấn công thủ đô Paris (Pháp) ngày 13/11 vừa qua cũng sẽ mang tới không gian phát triển thuận lợi cho nước này?


Chuyện xưa, chuyện nay

Sau khi lên nắm quyền vào đầu năm 2001, Tổng thống Mỹ G. Bush đã điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc, từ tăng cường tiếp xúc dưới thời B. Clinton sang bao vây kiềm chế, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Tuy nhiên, sự kiện 11/9 xảy ra gần 9 tháng sau đó đã dẫn tới những thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhằm tuyên chiến với al-Qaeda, đưa quân tới Afghanistan chống khủng bố, Mỹ cần tới sự ủng hộ của các nước, nhất là Trung Quốc, quốc gia nắm trong tay quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hai tay súng IS nói tiếng Duy Ngô Nhĩ (Trung Quốc) kêu gọi người Hồi giáo gia nhập IS.

Rốt cuộc, nhu cầu hợp tác đã khiến Washington thay đổi chính sách với Bắc Kinh. Lãnh đạo Trung Quốc khi đó cũng không bỏ lỡ cơ hội hiếm có, phát huy mạnh mẽ tinh thần “giấu mình chờ thời”, ra sức tránh kích thích Mỹ, chuyên tâm vào mục tiêu phát triển kinh tế. Nhờ vậy, Trung Quốc đã có “10 năm phát triển hoàng kim” với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình năm từ 2001 - 2011 là 10,63%, chính thức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010. Vì thế, không ít dư luận cho rằng người chiến thắng sau sự kiện 11/9 là Trung Quốc chứ không phải phương Tây.

Hiện nay, dự kiến sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, Pháp sẽ càng trở nên cứng rắn hơn trong chính sách di cư, quản lý biên giới... Đồng thời, Pháp cũng có thể phải xem xét lại quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc. Ngoài ra, trong bối cảnh ngành du lịch đóng góp lớn vào GDP bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ khủng bố ngày 13/11, nguy cơ kinh tế Pháp lún sâu vào suy thoái ngày càng lớn. Nhằm chấn hưng kinh tế, nhiều khả năng Pháp sẽ phải đẩy mạnh chính sách “hướng Đông”, kéo dài “thời kỳ trăng mật” trong quan hệ với Trung Quốc, tận dụng ưu thế của nhau. Dự kiến, hợp tác giữa Pháp và Trung Quốc dù là về mặt công nghệ hay tài chính đều sẽ được nâng lên tầm cao mới.

Trên bình diện quốc tế, sau vụ khủng bố 13/11 được ví như “phiên bản 11/9 ở châu Âu”, dư luận cho rằng Mỹ có xu hướng củng cố, tăng cường ảnh hưởng tại “lục địa già”. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn lực huy động chưa thể tăng lên trong một sớm một chiều, Washington có thể sẽ phải giảm tốc độ “trở lại châu Á” để dồn thêm sức chống lại mối đe dọa thiết thân là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Các nước phương Tây khác cũng buộc phải điều chỉnh chính sách, chú trọng hơn tới giải quyết các vấn đề trong nước. Nói cách khác, dù ở khía cạnh chống khủng bố hay tìm nguồn bổ trợ phát triển kinh tế, nhu cầu của các nước phương Tây đối với Trung Quốc sẽ tăng lên. Việc này, về lý thuyết, sẽ giúp Trung Quốc giảm áp lực chiến lược từ bên ngoài.

Khi môi trường quốc tế thay đổi

So với những năm trước, môi trường quốc tế hiện nay đã biến chuyển rất nhiều. Ở bên ngoài, thay đổi lớn nhất, nổi bật nhất là việc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “trở lại châu Á” và vấn đề Biển Đông được nhìn nhận như một điểm tựa quan trọng của chiến lược xoay trục này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á kết thúc vào ngày 22/11 vừa qua, vấn đề Biển Đông không ngoài dự liệu đã trở thành tiêu điểm, thậm chí còn xuất hiện cảnh tượng Trung Quốc không muốn chứng kiến nhất. Đó là việc hàng loạt nước, gồm cả các quốc gia trước đây tương đối “ít tiếng” về vấn đề Biển Đông như Indonesia và Malaysia, đều lên tiếng nói mạnh về nguy cơ từ việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng đảo nhân tạo, tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông. Có thể nói quốc tế hóa vấn đề Biển Đông đã trở thành xu thế lớn và Trung Quốc ngày càng bị cô lập.

Đối với Trung Quốc, cùng với sự trỗi dậy về kinh tế, nhất là sau khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước này được nhìn nhận là ngày một xa rời chủ trương “giấu mình chờ thời”. Không chỉ đề xuất xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” bình đẳng với Mỹ, Trung Quốc còn chủ động thiết kế luật chơi với việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), đưa ra ý tưởng “một vành đai, một con đường” nhằm xây dựng khu vực hợp tác kinh tế đại lục Âu-Á. Tuy nhiên, sự thành bại của các chương trình chiến lược nêu trên của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào mức độ tham gia của các nước và quan trọng hơn là việc khu vực có duy trì được hòa bình hay không.

Vì thế, một Trung Đông bất ổn, chìm đắm trong xung đột, chiến tranh sẽ không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Đó là chưa nói tới việc Trung Quốc ngày càng có thêm nhiều lợi ích to lớn ở Trung Đông. Chỉ tính riêng lĩnh vực năng lượng, năm 2014 mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc lên tới 59,6%, tăng 2,6% so với năm 2013. Trong đó, khoảng 50% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông. Như vậy, có thể nói việc tiêu diệt IS phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, nhất là khi IS đã đưa khu vực Tân Cương của Trung Quốc vào “bản đồ biên giới” của mình.

Sau khi công dân Trung Quốc Phiền Kinh Huy bị IS hành quyết, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động dã man vô nhân tính của IS và tuyên bố Bắc Kinh chắn chắn sẽ đưa những kẻ máu lạnh ra trước công lý. Dư luận càng chú ý tới hành động của Trung Quốc sau khi nước này cùng 14 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc còn lại bỏ phiếu thông qua nghị quyết diệt trừ IS do Pháp soạn thảo. Nhưng truyền thông, bao gồm tờ “Tin tức Thế giới” (báo tiếng Trung, phát hành ở Mỹ) ngày 21/11 cũng chú ý tới việc có ít nhất triệu bình luận liên quan tới “Phiền Kinh Huy” và việc “Trung Quốc xuất quân đánh IS” bị xóa bỏ trên các trang mạng ở Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc ngăn chặn việc tìm kiếm các thông tin liên quan.

Nói tóm lại, sự kiện tấn công khủng bố ở Paris có thể giúp Trung Quốc giảm áp lực chiến lược từ bên ngoài, nhưng cũng đặt Trung Quốc trước lựa chọn khó khăn. Ngoài ra, vấn đề Biển Đông và chống IS tưởng chừng tách rời nhau, nhưng lại tồn tại điểm chung là sự hoài nghi đối với lời nói và hành động của Bắc Kinh. Cơ hội luôn đến cùng thách thức và câu hỏi đặt ra là “Trung Quốc có tận dụng được cơ hội và biến thách thức thành cơ hội hay không”. Có lẽ thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất.
P.Q.T
IS dọa tấn công Moskva giống như vụ khủng bố Paris
IS dọa tấn công Moskva giống như vụ khủng bố Paris

Những phần tử ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 24/11 đã lên tiếng cảnh báo về một vụ tấn công khủng bố giống như ở Paris sắp xảy ra tại thủ đô Moskva của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN