HĐBA chia rẽ về kế hoạch trưng cầu dân ý ở Crimea

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã có cuộc họp kín ngày 10/3 thảo luận tình hình tại Ukraine. Đây là cuộc họp thứ 5 trong vòng 10 ngày qua, diễn ra theo đề nghị của Ukraine với sự tham dự của phái viên Ukraine tại LHQ Yuriy Sergeyev. Tại đây, Nga và phương Tây tiếp tục thể hiện lập trường khác biệt đối với cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.

Đại sứ Anh tại LHQ Lyall Grant nêu rõ đây là cơ hội để chính quyền tạm quyền tại Ukraine bày tỏ sự quan ngại về những diễn biến trong nước, đặc biệt liên quan tới ý định tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào LB Nga của chính quyền tự trị Crimea (Crưm), hành động mà Kiev và phương Tây cho là bất hợp pháp.

Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant gặp gỡ báo chí trước cuộc họp kín ở New York ngày 6/3. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud cho rằng Nga cần ngồi vào bàn thương lượng và thông điệp của phương Tây là không chấp nhận trưng cầu ý dân, đồng thời cảnh báo về những biện pháp trừng phạt nếu Moskva vượt qua "giới hạn" cho phép.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định Moskva sẽ "không từ bỏ trách nhiệm lịch sử" với Crimea. Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố các bước đi do chính quyền ở khu vực Crimea tiến hành là theo luật quốc tế.

Các cuộc họp của HĐBA LHQ cho đến nay chưa đạt được một đồng thuận nào và cho thấy rõ sự chia rẽ giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh tình hình Ukraine, đặc biệt là quy chế của bán đảo Crimea. Theo dự kiến, ngày 16/3 tới, nước CH tự trị Crimea sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập vào LB Nga. Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra sau khi Nghị viện Crimea đã thông qua quyết định có tính nguyên tắc về việc sáp nhập bán đảo này vào thành phần LB Nga với tư cách là một chủ thể.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 10/3, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine tăng cường đối thoại và tránh những "lời lẽ mang tính khiêu khích và hành động nóng vội".

Trong tuyên bố của mình, TTK Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại trước những diễn biến hiện nay tại bán đảo Crimea. Trong bối cảnh căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, TTK hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa, tránh những hành động nóng vội cũng như các tuyên bố dễ làm leo thang khủng hoảng.

TTK khẳng định giải pháp cho tình hình Ukraine phải dựa trên các nguyên tắc hiến chương LHQ về giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình và tôn trọng chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Kiev. Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nhà chức trách có trách nhiệm bảo đảm quyền con người của người dân trong nước, đặc biệt các nhóm người thiểu số.


TTXVN/Tin tức
Giải pháp ngoại giao cho Ukraine
Giải pháp ngoại giao cho Ukraine

Trong hai ngày 9-10/3, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong đó nhấn mạnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine cần giải quyết qua các kênh chính trị và ngoại giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN