Cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan được cựu Tổng thống George Bush phát động 20 năm trước, sau vụ khủng bố 11/9/2001, ký ức đau thương với nhiều người Mỹ. Qua bốn đời tổng thống, cuộc chiến khiến nước Mỹ tổn thất hàng nghìn tỷ USD, cướp đi sinh mạng của gần 2.500 binh sĩ Mỹ, hơn 1.000 binh sĩ các nước đồng minh phương Tây cùng hàng chục nghìn quân nhân và dân thường Afghanistan.
Mỹ hoàn tất việc rút quân, để lại một Afghanistan đối mặt rất nhiều thách thức trong bối cảnh Taliban đang cố gắng xây dựng chính phủ mới sau khi giành quyền kiểm soát Kabul. Nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực từ tình trạng chia rẽ đất nước không chỉ đe dọa trong phạm vi lãnh thổ Afghanistan, mà có thể sẽ rất nhanh chóng tác động tới cục diện, tình hình an ninh tại nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí có thể sớm trở lại là một chủ đề quan trọng trong chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Mối lo về chủ nghĩa khủng bố, vốn đã ăn sâu bám rễ trong lòng Afghanistan hàng thập niên qua, ngay lập tức đã trở lại khi nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo Khorasan” (ISIS-K), nhánh của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đã tiến hành các vụ tấn công đẫm máu ngày 26/8 bên ngoài sân bay Kabul vào lúc Mỹ cùng các nước đang nỗ lực sơ tán công dân. Vụ tấn công khiến 13 binh sĩ Mỹ và hàng trăm dân thường Afghanistan thiệt mạng đã làm gia tăng sức ép trong nước đối với Tổng thống Biden. Liên tiếp các ngày sau đó, Mỹ thông báo các đợt không kích bằng máy bay không người lái để ngăn chặn những kẻ cực đoan âm mưu đánh bom liều chết, hoặc nã rocket vào sân bay ở Kabul. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 30/8, Liên minh các quốc gia chống IS bao gồm có Mỹ, đã ra thông cáo cam kết hợp tác xóa sổ IS, trong đó đặc biệt nhắm đến chi nhánh của IS tại Afghanistan.
Theo nhà phân tích Colin Clark thuộc Soufan Group có trụ sở tại New York, Taliban cùng mạng lưới Haqqani và Al Qaeda hoạt động như một tổ chức tam giác, có quan hệ chặt chẽ với nhau và trên thực tế đã phát triển gần gũi hơn trong một thập niên qua. Xu hướng này có thể tiếp tục sau khi Mỹ rút quân, nhất là khi chính quyền Tổng thống Biden đang ngày càng quan tâm hơn tới ISIS-K sau các vụ khủng bố đẫm máu vừa qua. Trong khi đó, chuyên gia Seth Jones về vấn đề Afghanistan tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington D.C., nhận định dù không phải là chi nhánh hàng đầu của IS với chỉ khoảng 2 nghìn tay súng, song với việc Mỹ rút quân và chính phủ Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ, ISIS-K sẽ có thêm nhiều không gian hơn để phát triển lực lượng trong thời gian tới.
Ngay trong bộ máy của Taliban, lực lượng sẽ lên nắm chính quyền tại Afghanistan, cũng có không ít thành viên bị Mỹ và phương Tây liệt kê vào nhóm có quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda. Có thể kể đến phó chỉ huy Taliban là Sirajuddi Haqqani, lãnh đạo của mạng lưới Haqqani, một nhóm có liên kết với Taliban và Al Qaeda bị chính quyền Mỹ coi là tổ chức khủng bố. Chính quyền Mỹ từng treo thưởng 5 triệu USD vào năm 2009 và tăng lên thành 10 triệu USD vào năm 2014 nhằm bắt giữ nhân vật này. Một nhân vật đáng chú ý khác là Qari Zia Ur Rehman, chỉ huy quân sự cấp cao phụ trách tỉnh Kunar, từng lên kế hoạch các vụ tấn công lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bên cạnh đó, bất đồng phe phái trong quá trình Taliban xây dựng chính phủ mới cũng đặt ra nguy cơ gia tăng bạo lực đối đầu. Đối với Taliban, việc đánh bại quân chính phủ Afghanistan khi Mỹ đã bắt đầu rút quân diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn so với việc xây dựng một chính phủ đoàn kết, thống nhất, với sự hiện diện chính của lực lượng này. Ngoài sự phản đối từ Phó Tổng thống thứ nhất Afghanistan là Amrullah Saleh, hiện đã rút lực lượng về thung lũng Panjshir, Taliban hiện đang phải đối mặt với sự quay lưng của nhiều nhóm vũ trang có ảnh hưởng tại quốc gia này. Taliban cần sự ủng hộ của một số nhân vật có ảnh hưởng tại các cộng đồng khác nhau của Afghanistan như Liên minh phương Bắc, thủ lĩnh phe kháng chiến Ahmad Massoud, thủ lĩnh lực lượng người Tajik là Ata Mohammed Noor, cựu phó tổng thống Karim Khalili - nhân vật có ảnh hưởng của cộng đồng người Hazara thiểu số.
Những nguy cơ tại Afghanistan đang đặt chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với nhiều sức ép, cả ở trong nước cũng như từ các nước đồng minh. Ông Biden đã cam kết sẽ ngăn chặn Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn của Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác muốn tấn công nước Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải nhiệm vụ đơn giản khi Mỹ không còn hiện diện quân sự tại Afghanistan. Mặc dù vậy, điều này cũng cho thấy chính quyền Mỹ đang có những thay đổi mới về cách tiếp cận đối với cuộc chiến chống khủng bố. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tìm các cách thức khác nhau nhằm không chỉ thúc đẩy các quan điểm về tình hình tại Afghanistan, mà còn hướng đến các giải pháp lâu dài, mang tính liên minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden với các đồng minh NATO trong tuần ngay sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul không chỉ giúp ông Biden xoa dịu sức ép từ các nước đồng minh hàng đầu tại châu Âu như Anh, Đức, Pháp về quyết định rút quân, chấm dứt sự hiện diện tại Afghanistan, mà còn qua đó củng cố lập trường về hướng đi của phương Tây đối với khả năng công nhận chính phủ mới tại Afghanistan do Taliban xây dựng. Mặt khác, các cuộc điện đàm này cũng gửi đi một thông điệp cứng rắn rằng Mỹ và phương Tây sẽ không làm ngơ trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố tại Agghanistan, nhất là khi các nhóm khủng bố có ý đồ đe dọa, làm suy yếu an ninh của nước Mỹ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, buộc Mỹ phải vội vã điều hàng nghìn quân tăng viện để triển khai sơ tán công dân Mỹ trong một chiến dịch không vận được đánh giá là khá nguy hiểm, sau đó là vụ tấn công liều chết tại sân bay Kabul, cũng đã khiến chính quyền Mỹ và bản thân Tổng thống Joe Biden hứng chịu chỉ trích từ mọi phía, kể cả những người trong chính hàng ngũ đảng Dân chủ cầm quyền. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa còn kêu gọi ông Biden từ chức và đề nghị tiến hành thủ tục luận tội tổng thống. Những diễn biến này trên chính trường Mỹ có thể trở thành "cơn gió ngược" đối với đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, khi mà đảng Dân chủ sẽ phải bảo vệ thế đa số mong manh ở cả Hạ viện và Thượng viện.
Có thể nói rằng sau 20 năm quân đội Mỹ hiện diện tại Afghanistan, thời khắc đánh dấu việc rút quân, khép lại cuộc chiến của Mỹ ở quốc gia Tây Nam Á lại diễn ra trong một bối cảnh khiến dư luận lo ngại, khi Afghanistan đang tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ bất ổn về an ninh, bạo lực xung đột, thậm chí là khủng bố, cùng tương lai khó đoán định. Chuyên gia Fred Kempe, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại và chính sách công có trụ sở tại Washington, nhận định trong bối cảnh hiện nay, Mỹ cần tập trung vào ba lĩnh vực: khôi phục niềm tin của đồng minh vào vai trò dẫn dắt của Mỹ, vạch chiến lược chống khủng bố mạnh mẽ dựa trên thực tế thay đổi ở Afghanistan và huy động các nhân tố trong khu vực để bảo đảm Taliban hành xử hợp lý, tuân thủ các cam kết đưa ra khi ký thỏa thuận với Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện được những nội dung này cũng không phải là dễ dàng, và những hệ lụy của cuộc chiến ở Afghanistan sẽ tiếp tục là thách thức đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden ngay cả khi Washington đã hoàn tất việc rút quân.