Các bên nhất trí cho rằng những căng thẳng thương mại và địa chính trị đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn đối với tăng trưởng toàn cầu, và để giải quyết những bất đồng cần phải ưu tiên đối thoại. Tuy nhiên, việc các bên chưa thể tìm ra giải pháp chung để đối phó với chính sách thuế quan và thương mại gây tranh cãi của Mỹ, cho thấy những căng thẳng hiện nay chưa thể giải quyết "một sớm một chiều", mà có thể còn tiếp tục tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Việc Mỹ áp thuế 25% đối với các sản phẩm thép và 10% với nhôm của EU cách đây vài tháng cũng như tuyên bố mới đây của Tổng thống Donald Trump về việc xem xét áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu đã tạo ra một làn sóng bất bình từ các nước châu Âu và Nhật Bản. EU đã quyết định trả đũa với mức thuế tương tự đối với xe máy Harley-Davidson và một số mặt hàng khác của Mỹ. Ủy viên cấp cao về các vấn đề kinh tế, tài chính, thuế và hải quan của EU Pierre Moscovici cho biết mặc dù hai bên vẫn tìm cách đối thoại để giải quyết bất đồng, song quan điểm vẫn rất khác biệt khiến cho tình hình ngày càng trở nên tồi tệ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vẫn tìm cách xoa dịu các đồng minh với lời khẳng định rằng Mỹ luôn ủng hộ thương mại công bằng và tự do, đồng thời đề nghị thảo luận về hiệp định tự do thương mại với EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã ngay lập tức bác bỏ lời đề nghị này và cho rằng trước tiên, Mỹ cần phải xóa bỏ việc áp thuế đối với các mặt hàng của châu Âu nếu muốn cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán về các vấn đề thương mại.
Những ý kiến khác biệt giữa Mỹ và EU tại hội nghị G20 lần này một lần nữa cho thấy hai bên có cách hiểu không giống nhau về "thương mại công bằng và tự do". Đối với Mỹ, quan niệm " thương mại công bằng và tự do" đương nhiên không có chuyện chấp nhận cán cân thương mại với các đối tác bị mất cân bằng theo hướng Mỹ nhập siêu quá lớn. Tổng thống Trump cũng muốn "đòi lại" những lợi ích kinh tế thương mại mà ông cho rằng nước Mỹ đã bị mất bởi quan hệ thương mại không công bằng với các đối tác lớn như EU hay Nhật Bản. Khác biệt này rõ ràng khiến Mỹ và EU chưa thể dung hòa quan điểm trong vấn đề thương mại.
Ở một khía cạnh khác, "bóng ma" về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn leo thang khi hai nước liên tục đưa ra những biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa của nhau lên tới 34 tỷ USD. Thậm chí, mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Trump đã đe dọa áp thuế với tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ với trị giá lên tới 500 tỷ USD.
Tại hội nghị, Trung Quốc - nước được coi đối tượng chính mà Mỹ muốn nhắm đến, cũng cho rằng chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tác động tiêu cực tới sự phục hồi của kinh tế thế giới, đồng thời cảnh báo nếu các biện pháp như vậy được các nước đồng loạt áp dụng, sẽ dẫn đến tình trạng tồi tệ nhất cho kinh tế toàn cầu, Trên tinh thần đó, Bắc Kinh kêu gọi tất cả các nước cần phải chung tay giải quyết những thách thức của nền kinh tế toàn cầu.
Có thể thấy việc các nước áp đặt các biện pháp đơn phương mang tính rào cản đối với thương mại tự do không phải là giải pháp tốt, bởi nó đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, cản trở hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời có thể dẫn tới các cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của các nước, các khu vực và cả thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể tăng trưởng tối đa là 3,9% trong năm 2018 và 2019, song mối đe dọa về một sự suy giảm vẫn hiện hữu vì những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng.
Những tranh chấp thương mại tiếp tục cho thấy các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn chưa thể giải "bài toán khó" là làm sao dung hòa được lợi ích quốc gia và những cam kết hợp tác thúc đẩy tự do thương mại vì lợi ích chung. Việc Mỹ đưa ra những rào cản thuế nhập khẩu, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất về trong nước, trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng tìm mọi cách tăng kim ngạch xuất khẩu song dựng lên những rào cản đối với hàng nhập khẩu, giữ thị phần trong nước cho các doanh nghiệp nội địa, là những minh chứng rõ nét về xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhấn mạnh, chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ không đem lại lợi ích cho bất cứ bên liên quan nào và các nền kinh tế cần phải đối thoại để giảm thiểu các biện pháp trả đũa thương mại như đang xảy ra thời gian gần đây. IMF cũng từng cảnh báo việc quay lưng lại với thương mại tự do đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới, hơn nữa có thể đe dọa xóa bỏ những nỗ lực tăng trưởng thời gian qua.
Đó cũng là lý do mà tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 lần này tái khẳng định thương mại là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, và các thỏa thuận thương mại đa phương có một tầm quan trọng bao trùm. Trên cơ sở đó, G20 kêu gọi các bên phải tăng cường đối thoại và đưa ra những hành động nhằm giảm thiểu các mối đe dọa, tăng cường sự tin cậy vì mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cách tiếp cận chung của các bên trong vấn đề thương mại có thể coi là "điểm sáng" trong hội nghị bộ trưởng G20 lần này.