Báo cáo của WB đề cập đến tình trạng hệ thống điện, nước, các tuyến đường giao thông bị hủy hoại do tình hình thời tiết cực đoan, cùng với công tác quản lý và bão dưỡng yếu kém đã khiến các nước có mức thu nhập thấp và trung bình tổn thất 390 tỷ USD/năm. WB dự báo đến năm 2050, 2/3 dân số thế giới sẽ tập trung tại các thành phố, tăng 55% so với con số hiện nay.
Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ điện, nước và y tế đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của số dân này vẫn chưa được xây dựng, hiện các nhà đầu tư đang ưu tiên các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chống các cơn "sốc" do biến đổi khí hậu trong tương lai. Giám đốc điều hành WB Kristalina Georgieva nhận định: "Các nước sẽ tiết kiệm được khoản tiền lớn trong tương lai nếu họ hành động có trách nhiệm ngày hôm nay".
Theo WB, tình trạng mất điện và mạng lưới giao thông bị tàn phá do thiên tai nói riêng đã tiêu tốn khoảng 18 tỷ USD/năm của các nước đang phát triển. Hầu hết các nước chịu thiệt hại đều tập trung tại khu vực châu Phi và Đông Nam Á, nơi mật độ dân số tại các thành phố đông đúc, và các điều kiện khí hậu ẩm ướt tạo ra nhiều thách thức về phát triển cở sở hạ tầng tại đây.
Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, khoảng 64 triệu người sống phụ thuộc vào các nhà máy xử lý nước thải đang phải đối mặt với nguy cơ từ các thảm họa động đất và lở đất, 200 triệu người sống phụ thuộc vào các nhà máy này có nguy cơ hứng chịu lũ lụt do biến đổi khí hậu. Các hoạt động kinh doanh tại Tanzania thiệt hại 6 triệu USD/năm, tương đương 1,8% GDP do bị cắt điện, nước và giao thông cô lập. Tại Kampala, thủ đô của Uganda, các trận lụt có mức độ vừa phải cũng có thể khiến hơn 1/3 dân số thành phố 1,5 triệu dân này không thể tới bệnh viện trong tình huống khẩn cấp.
Theo WB, hoạt động đầu tư nhằm tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ khiến các nước đang phát triển tiêu tốn 4.200 tỷ USD về dài hạn.