Ngày 1/7, nhân dịp dự thảo Hiến pháp sửa đổi của Nga được đưa ra trưng cầu ý kiến toàn dân, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga Konstantin Vnukov đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Kính thưa Đại sứ, xin Ngài cho biết lý do nước Nga xem xét việc sửa đổi Hiến pháp vào thời điểm này?
Tình hình kinh tế và xã hội hiện nay có liên quan đến đại dịch COVID-19 trên thế giới, cũng như các yêu cầu cấp bách của hiện tại và tương lai là những lý do để chúng tôi đi đến quyết định sửa đổi và bổ sung Hiến pháp.
Sau khi tất cả các sửa đổi của Hiến pháp được thông qua, thì bước tiếp theo sẽ là thông qua một loạt các đạo luật liên quan đến các vấn đề cụ thể. Luật pháp thì phải được vận hành, vậy mà một số đạo luật ở Nga không còn phù hợp với thực tế hiện nay và do đó chúng không vận hành được. Bởi thế, tôi cho rằng trong năm nay và năm tới sẽ có những thay đổi rất quan trọng cả trong khuôn khổ lập pháp lẫn trong sinh hoạt của xã hội chúng tôi. Hơn nữa, cần phải nói một chút về bản Hiến pháp hiện tại của Nga. Văn kiện này được thông qua năm 1993, gần 30 năm về trước, trong một cuộc trưng cầu ý kiến toàn dân, có nghĩa là khi đó toàn thể dân Nga đã bỏ phiếu ủng hộ bản Hiến pháp này. Nói một cách khách quan, ở thời điểm đó và cho tới hôm nay Hiến pháp của nước Nga là một trong những luật cơ bản hiện đại nhất nếu so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, cần phải nhớ lại rằng 30 năm trước đây đất nước chúng tôi đã trải qua một giai đoạn khá nặng nề do khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị.
Trong vòng 3 thập niên qua đã diễn ra rất nhiều thay đổi không chỉ trên thế giới mà còn trong đời sống nước Nga và nhân dân Nga. Tình hình kinh tế cũng như đời sống chính trị và xã hội thay đổi mạnh mẽ. Đến nay, tình hình ở nước Nga đã ổn định và bây giờ không phải là lúc đề cập đến việc chấm dứt bản Hiến pháp này mà là thay đổi và bổ sung mới, vốn phản ánh thời điểm hiện tại và đời sống ngày hôm nay. Chỉ mấy tháng sau khi Tổng thống V.Putin đặt ra nhiệm vụ thu thập ý kiến của người dân liên quan đến những bổ sung và sửa đổi Hiến pháp. Đến nay, đã có đề xuất sửa đổi và bổ sung 206 điểm trong Hiến pháp. Những sửa đổi này bao hàm sâu rộng những vấn đề từ chính trị, nhà nước, thiết chế và phân chia quyền lực giữa các nhánh chính quyền rõ ràng hơn, đến khối lượng lớn vấn đề liên quan đến bảo vệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người bị thiệt hại do đại dịch COVID gây ra trong những tháng vừa qua.
Ở đây cũng cần phải nhấn mạnh rằng nhiều đại diện các đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội và thanh niên đã đưa ra nhiều đề xuất có giá trị, đã được tổng hợp và đưa ra bỏ phiếu hôm nay.
Xin Ngài cho biết một số nét chính của dự thảo Hiến pháp sửa đổi?
Như tôi đã nói, ở đây là cả một cụm vấn đề quan trọng liên quan đến hệ thống chính trị của nước Nga, trong đó có sự phân công chức năng rõ ràng hơn giữa các nhánh chính quyền, chức năng của bộ máy tổng thống, của quốc hội Nga (Đuma Quốc gia và Hội đồng Liên bang), cũng như cải thiện và hiện đại hóa hệ thống tư pháp để bảo vệ quyền của công dân.
Có một cụm vấn đề nữa mà, thiết nghĩ, Việt Nam sẽ hiểu rất rõ vì sao nó được nêu lên. Đó là cụm vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga. Quý vị cũng biết đấy, đây là những bảo đảm quan trọng để không một tấc đất nào của Nga bị rơi vào tay kẻ khác.
Đối với người Nga, có một điểm rất quan trong nữa là những sửa đổi và bổ sung có liên quan đến việc bảo vệ ngôn ngữ quốc gia Nga – tiếng Nga trong tư cách là ngôn ngữ chính của nước Nga, bởi lẽ Nga là một nước có rất nhiều dân tộc và sắc tộc (tới gần 200), mà mỗi một dân tộc và sắc tộc lại có tiếng nói riêng của mình. Nhưng ngôn ngữ thống nhất, tất nhiên, là tiếng Nga.
Việc bảo vệ văn hóa, bảo vệ các giá trị tinh thần và gia đình của chúng tôi cũng sẽ được phản ánh trong Hiến pháp lần này. Chẳng hạn, có một điều khoản nói như thế này, và nó sẽ được áp dụng, dĩ nhiên, một khi được nhân dân chấp thuận. Đó là, hôn nhân – nền tảng của xã hội chúng tôi – phải là hôn nhân giữa nam giới và nữ giới. Ở các nước khác, như quý vị đã biết, tình hình không hẳn là như vậy. Nhưng trong văn hóa tinh thần của người Nga, với các giá trị gia đình của chúng tôi, thì chúng tôi cho rằng điều này cần được phản ánh trong Hiến pháp.
Tất cả những vấn đề này đã được chính người dân Nga, bao gồm cả các tổ chức quần chúng, nêu lên trong các cuộc thảo luận sơ bộ, và đều nhận được sự ủng hộ của đa số các công dân Nga. Chúng ta sẽ mau chóng biết được kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm nay thôi.
Nhiều đòi hỏi đối với tất cả các cơ cấu quyền lực, mà trước hết là đối với Tổng thống, cũng được nâng cao hơn trước. Chẳng hạn, có những yêu cầu mới được đưa ra, theo đó Tổng thống nhất thiết phải là công dân Nga mà không có bất kỳ một quốc tịch nước ngoài nào khác, không có quyền cư trú ở nước khác, và bắt buộc phải sống ở nước Nga không dưới 25 năm (trước đây quy định là 10 năm).
Một yêu cầu tiếp theo đối với Tổng thống là: một người không được giữ cương vị cao nhất này quá hai lần ở Nga. Một điều rất quan trọng nữa là trước các yêu cầu mới, các cơ quan lập pháp của nước Nga – Đuma Quốc gia và Hội đồng Liên bang – sẽ được trao nhiều quyền lực lớn hơn. Chẳng hạn, Đuma Quốc gia sẽ có thể bầu và phê chuẩn các ứng cử viên vào cương vị Thủ tướng và tất cả các bộ trưởng trong Chính phủ. Đây là điều mà trước đây chưa từng có. Hội đồng Liên bang cũng sẽ có các chức năng kiểm soát quan trọng, mà trên thực tế, Hội đồng này sẽ có thể kiểm soát toàn bộ sinh hoạt chính trị của nước Nga. Hội đồng Liên bang sẽ bao gồm đại diện từ tất cả các địa phương của nước Nga.
Trong bối cảnh tình hình khó khăn hiện nay trên thế giới có liên quan đến sự lan tràn trầm trọng của dịch bệnh COVID-19, khi mà nhiều nước cùng gặp những khó khăn nhất định, khi mà thu nhập của người dân giảm sút, số người thất nghiệp lại gia tăng, thì sẽ phải có những sửa đổi rất quan trọng được đưa vào Hiến pháp liên quan đến chỉ số lương và tiền hưu trí thường xuyên, cũng như tiền trợ cấp cho các gia đình đông con. Trên thực tế thì tất cả những điều này đang được Chính phủ và Tổng thống của chúng tôi thực hiện ngay từ bây giờ rồi, nhưng từ nay tất cả những điều này sẽ được ghi vào Hiến pháp và trở thành luật.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi nói rằng lần này có tới hơn 200 sửa đổi và bổ sung khác nhau. Thiết nghĩ, nếu những sửa đổi này được chấp thuận, mà tôi tin chắc là như vậy, thì Hiến pháp của chúng tôi lần này sẽ trở thành một trong những văn kiện cơ bản hiện đại nhất so với ở nhiều quốc gia khác.
Nếu dự thảo Hiến pháp sửa đổi được thông qua, Hiến pháp mới sẽ tác động như thế nào tới tương lai nước Nga?
Những bổ sung và sửa đổi Hiến pháp sẽ có hiệu lực ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiếu, nếu được 50% người dân Nga ủng hộ. Trên thực tế, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra nhiều ngày trước để tránh việc cùng một lúc tập trung quá đông người tại các điểm bỏ phiếu trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Nga. Theo số liệu tính đến chiều tối 30/6 đã có một số kết quả quan trọng: gần 50 triệu người dân Nga đã đi bỏ phiếu, sự có mặt của cử tri đạt 46%. Đây là tỷ lệ cao, đó là chưa tính đến ngày bỏ phiếu chính hôm nay. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trên khắp cả nước, kể cả ở những khu vực chỉ có thể đến bằng máy bay.
Các đội chuyên trách của Ủy ban trưng cầu ý dân đã đến tận nhà những người cao tuổi, người có bệnh và người hưu trí để giúp họ thực hiện quyền công dân của mình ngay tại nhà. Nga cũng lần đầu tiên thử nghiệm bỏ phiếu trực tuyến tại hai khu vực – tỉnh Moskva và tỉnh Nizhny Novgorod. Sáng kiến này rất được người dân quan tâm, đặc biệt là giới trẻ, những người không thích đến các sự kiện chính thức. Hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh, nên có yêu cầu công dân Nga đi bỏ phiếu thì phải đeo khẩu trang.
Như vậy, nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, và tôi tin vào điều này, khắp đất nước Nga bao gồm cả các điểm bỏ phiếu ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ biết kết quả, còn tại Hà Nội thì kết quả sẽ có ngay chiều tối hôm nay. Đây là sự kiện rất nghiêm túc và quan trọng đối với số phận của nước Nga. Hôm qua Tổng thống của chúng tôi một lần nữa kêu gọi toàn thể người dân, trong đó giải thích rõ sự cần thiết phải tích cực tham gia vào tiến trình này, bởi vì tương lai của đất nước chúng tôi, con cháu chúng tôi phụ thuộc vào triển vọng hiện đại hóa luật cơ bản.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!