Theo ông Chan Chun Sing, tất cả các bên tham gia đàm phán đều nhất trí rằng việc ký kết được RCEP trong năm 2020 là rất quan trọng nhằm củng cố và thúc đẩy lòng tin với nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay.
Ông Chan Chun Sing cũng cho biết các cuộc họp, thảo luận chuyên sâu theo hình thức trực tuyến của các bên tham gia đàm phán RCEP đã và đang được tiến hành, đồng thời không có bất kỳ dấu hiệu đáng kể nào cho thấy có sự chậm trễ hoặc trì hoãn ký kết thỏa thuận này.Tuy nhiên, theo ông, diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện tại sẽ phải được suy tính kỹ lưỡng để xem xét liệu việc ký kết có thể được tiến hành trong một cuộc họp hay phải được tiến hành theo một hình thức khác.
Cũng theo quan chức trên, một động thái đáng chú ý là việc các nước đàm phán RCEP cũng đã có lời mời Ấn Độ quay trở lại tham gia tiến trình đàm phán thỏa thuận này trong các cuộc họp diễn ra vào tháng tới. Mặc dù vậy, trong trường hợp không có sự tham gia của Ấn Độ trong các cuộc họp này thì tiến trình ký kết RCEP vào cuối năm nay vẫn được thúc đẩy.
Hiệp định RCEP nếu được ký kết sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, với 15 thành viên là các nước thành viên ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Tháng 11/2019, Ấn Độ đã đột ngột rút lui khỏi thỏa thuận này.