Thông báo của Nghiệp đoàn CCOO cho biết H&M chuẩn bị thực hiện các quy trình cắt giảm nhân sự có thể ảnh hưởng tới trên 1.000 người và 30 cửa hàng phải đóng cửa. CCOO cho rằng việc đóng cửa các cửa hàng là hoàn toàn bất hợp lý, trong khi sa thải các nhân viên đang trong chế độ nghỉ phép là không công bằng.
Theo nghiệp đoàn, việc phải điều chỉnh quy mô nhân sự trong bối cảnh thói quen tiêu dùng thay đổi là không sai nhưng việc sa thải một số lượng lớn nhân viên là không công bằng, đặc biệt khi H&M vẫn đang hưởng lợi từ chương trình của chính phủ hỗ trợ cho nhân viên nghỉ phép trong thời gian đại dịch. Hiện H&M chưa có bình luận chính thức về vấn đề này.
Việc cấp ngân sách cho các chương trình hỗ trợ thất nghiệp tạm thời là một trong những biện pháp quan trọng mà chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez đang thực hiện nhằm giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn phong tỏa. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ Tây Ban Nha đã chi khoảng 40 tỷ euro (hơn 47 tỷ USD) cho các biện pháp khẩn cấp nhằm xoa dịu khủng hoảng. Đổi lại, các công ty phải cam kết không sa thải nhân viên trong vòng 6 tháng sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ. Chương trình này có hiệu lực tới ngày 31/5 và nhiều khả năng sẽ được gia hạn.
Năm 2020, lợi nhuận của H&M giảm 10 lần do tác động của đại dịch. Hãng cũng cho biết sẽ phải đóng cửa 350 trên tổng số 5.000 cửa hàng trên toàn cầu và mở thêm 100 cửa hàng khác. Dù lợi nhuận giảm nhưng mảng bán hàng trực tuyến của hãng tăng mạnh trong năm 2020, tăng hơn 40% so với năm trước đó và đóng góp gần 1/3 tổng doanh thu của hãng.