Nguyên nhân là do đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài 2 thập niên qua đang diễn ra ảnh hưởng đến miền Tây của Mỹ.
Việc cạn kiệt nước ở hồ Muối Lớn đang gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho cuộc sống của các loài động vật và người dân dọc bên hồ.
Nhà khoa học khí quyển Kevin Perry, người đạp xe khắp các trầm tích khô kiệt từ năm 2016 để nghiên cứu thành phần của nó, nhấn mạnh: "Để cứu hồ Muối Lớn, phải nhận thức rằng hồ này có giá trị và hồ này cần phải được tiếp nước vào".
Trong nhiều năm, nguồn nước đáng ra phải chảy vào hồ đã bị chuyển hướng để sử dụng cho con người, phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), độ cao mặt nước của hồ đã giảm xuống còn khoảng 1.277 mét hôm 3/7 vừa qua, thấp hơn mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2021. Mực nước này dự kiến sẽ tiếp tục giảm cho đến mùa thu hoặc đầu mùa Đông khi lượng nước đổ vào tương đương hoặc vượt lượng nước bốc hơi.
Ông Joel Ferry, Giám đốc Sở Tài nguyên thiên nhiên bang Utah, cho rằng cần có hành động cấp bách để giúp bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quan trọng này.
Việc nước hồ cạn kiệt đang để lộ ra khoảng 2.000 km2 trầm tích, một khu vực lớn hơn đảo Maui của bang Hawaii. Các lớp đất trước kia nằm dưới nước cuốn thành những đám mây bụi trộn thêm canxi, lưu huỳnh và thạch tín, một nguyên tố có trong tự nhiên liên quan đến bệnh ung thư và các dị tật bẩm sinh.
Trầm tích bị lộ ra cũng bị ô nhiễm bởi các chất cặn bã còn lại từ việc khai thác bạc và đồng. Các nhà khoa học gần đây cảnh báo rằng trầm tích giàu asen nguy hiểm nằm dọc theo đáy hồ có thể bị phát tán theo gió nếu tiếp xúc với không khí.
Không chỉ có con người bị nguy hiểm. Các cấu trúc giống san hô ở dưới nước là nơi ký sinh của các vi sinh vật sinh sống vốn và là thức ăn cho tôm nước mặn (sau đó chính tôm nước mặn là thức ăn quan trọng cho các loài chim), đang khô kiệt và trở nên xám khi bị lộ ra. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản lượng tôm nước mặn khái thác tại đây và đe dọa số lượng lớn các loài chim di cư dừng chân tại hồ này hằng năm.