Theo đài RT, ông Nikolay Korchunov đưa ra nhận xét trên với hãng thông tấn TASS trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/4.
Ông Nikolay Korchunov nói: “Việc quốc tế hóa các hoạt động quân sự của liên minh NATO ở các vĩ độ cao, liên quan đến các quốc gia NATO không thuộc Bắc Cực, chỉ gây ra lo ngại. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố không chủ ý, mà ngoài rủi ro về an ninh, còn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái mong manh ở Bắc Cực”.
Quan chức này cho biết thêm NATO đã tăng cường các hoạt động trong khu vực, tổ chức các cuộc tập trận quân sự ngày càng lớn. Ông nói thêm: “Gần đây, một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn khác của NATO đã diễn ra ở phía bắc Na Uy. Theo quan điểm của chúng tôi, cuộc tập trận này không góp phần đảm bảo an ninh trong khu vực”. Bình luận này đề cập đến cuộc tập trận “Cold Response” kéo dài hai tuần vào tháng 3 vừa rồi.
Cuộc tập trận có sự tham gia của 1.500 lính Mỹ cũng như các lực lượng từ 8 quốc gia NATO khác và các quốc gia đối tác với tổng số 15.000 quân. Cuộc tập trận đã xảy ra vụ rơi máy bay MV-22B Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ. Máy bay rơi xuống một dãy núi hẻo lánh, khiến 4 người trên máy bay thiệt mạng.
Theo ông Korchunov, ngoài các hoạt động quân sự trực tiếp của khối, việc khối này có thể mở rộng ra phía bắc sẽ tạo ra thêm rủi ro cho khu vực Bắc Cực. Cả Thụy Điển và Phần Lan đều đang xem xét chính thức tham gia liên minh này sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây là hai nước đã duy trì các chính sách không liên kết trong nhiều thập kỷ nhưng vẫn có quan hệ chặt chẽ với NATO.
Ông Korchunov cho biết: “Việc mở rộng NATO gây hại cho các nước không thuộc khối này và do đó sẽ không đóng góp vào an ninh và tin cậy lẫn nhau ở Bắc Cực. Trong khi đó, Nga luôn ủng hộ tăng cường an ninh và tin tưởng lẫn nhau ở đây”.
Cuộc tấn công quân sự của Nga bắt đầu ở Ukraine vào cuối tháng 2 cũng được sử dụng làm cớ để gián đoạn công việc của Hội đồng Bắc Cực. Ông Korchunov nói: “Vào đầu tháng 3/2022, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan đã ngừng tham gia Hội đồng này với lý do hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine”. Ông Korchunov nói thêm rằng không có cách nào để phát triển Vùng Bắc Cực mà không có Nga.
Trong khi đó, Tổng thanh tra của Lầu Năm Góc cho biết ngày 16/4 rằng các căn cứ quân sự của Mỹ ở Bắc Cực và cận Bắc Cực đã bị thiệt hại do thời tiết thay đổi như đường băng nứt vỡ và lũ lụt gia tăng. Các căn cú này không được chuẩn bị để thích ứng với những tác động lâu dài của biến đổi khí hậu.
Mối đe dọa này đã bị bỏ qua mặc dù một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2019 trước Quốc hội nói rằng biến đổi khí hậu là vấn đề an ninh quốc gia, gây ra những tác động tiềm tàng đối với các nhiệm vụ và căn cứ quân sự của Mỹ.
Tổng thanh tra Lầu Năm Góc cho rằng lỗi là do Bộ Quốc phòng thiếu chú trọng trong đảm bảo khả năng chống chịu với khí hậu của các căn cứ Mỹ.
Trong các chuyến thăm đến sáu căn cứ ở các vùng Bắc Cực và cận Bắc Cực, Tổng thanh tra Lầu Năm Góc nhận thấy rằng các chỉ huy không biết về các yêu cầu đối với việc lập kế hoạch chống chịu với khí hậu, vốn đã được yêu cầu trong chỉ thị năm 2016 của Lầu Năm Góc. Các nhà lãnh đạo căn cứ tại đây đã không tuân thủ các nhiệm vụ xác định các rủi ro, tính dễ bị tổn thương và các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường hiện tại và dự báo.
Mỹ, Nga và các quốc gia khác đã tìm cách tăng cường hiện diện quân sự của họ ở Bắc Cực, ít nhất một phần là do trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản khổng lồ của khu vực. Nhiệt độ ấm lên cũng đã mở ra các tuyến vận chuyển mới ở Bắc Cực, tăng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tổng thanh tra cho biết biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng hơn ở Bắc Cực so với hầu hết các khu vực khác trên thế giới, khiến các vấn đề như đường băng, nhà chứa máy bay, đường bộ và hàng rào đá bị hư hại do băng tan. Cháy rừng đã dẫn đến chi phí giảm thiểu tác động cao hơn và làm gián đoạn thời gian huấn luyện.
Lầu Năm Góc coi Bắc Cực là khu vực trọng yếu đối với an ninh quốc gia của Mỹ.