Hoạt động giám sát núi lửa tại Tonga gặp nhiều khó khăn

Hiện các nhà khoa học đang chật vật tìm cách theo dõi hoạt động của núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai mới phun trào tại Tonga cuối tuần qua vì vụ phun trào đã phá hủy và khiến phần lớn miệng núi lửa vốn nằm ngang mực nước biển chìm hẳn xuống dưới, do đó cản trở các hoạt động theo dõi bằng vệ tinh.

Chú thích ảnh
Những đám mây bụi bốc lên trời sau khi núi lửa trên đảo Hunga Ha'apai, quốc đảo Tonga, phun trào, ngày 21/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 15/1, núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai đã phun trào trở lại, gây ra những đám tro bụi lớn bao phủ gần như toàn bộ hòn đảo chính của đảo quốc có trên100.000 dân này. Bên cạnh đó, vụ phun trào mạnh nhất tại khu vực Thái Bình Dương sau nhiều thập kỷ không chỉ gây sóng thần ập vào các bờ biển Tonga mà còn lan rộng ra nhiều khu vực Thái Bình Dương, kể cả quốc gia xa hơn 2.000 km như New Zealand cũng chịu ảnh hưởng.

Janine Krippner, nhà nghiên cứu núi lửa tại New Zealand, bày tỏ đặc biệt lo ngại khi giới quan sát đang có rất ít dữ liệu liên quan hoạt động của ngọn núi lửa này. Khi miệng núi lửa nằm dưới bề mặt nước biển, các nhà khoa học sẽ không thể theo dõi để dự báo điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chuyên gia này cũng cho biết các thiết bị quan sát lắp đặt tại hiện trường nhiều khả năng đã bị hư hại trong vụ phun trào.

Trong khi đó, Cơ quan Địa chấn học Tonga, cơ quan theo dõi núi lửa, hoàn toàn mất liên lạc. Vì vậy, các cơ quan nghiên cứu và theo dõi núi lửa từ nhiều nơi đã liên hệ và tập hợp những dữ liệu và hiểu biết liên quan để đánh giá vụ phun trào tốt hơn và dự báo hoạt động tại núi lửa trong thời gian tới.

Vụ phun trào ngày 15/1 mạnh đến nỗi các vệ tinh trong không gian cũng chụp được hình ảnh các đám tro bụi khổng lồ và một đợt sóng xung kích xuất hiện trong bầu khí quyển. Nhiều hình ảnh khác cũng cho thấy những đám tro bụi bay lơ lửng trên bầu trời Nam Thái Bình Dương cùng những đợt sóng cao hàng mét ập vào vùng duyên hải Tonga.

Hiện vẫn chưa có báo cáo chính thức về hậu quả của vụ phun trào tại Tonga, nhưng các hình thức liên lạc bằng điện thoại và Internet đều bị gián đoạn nghiêm trọng, vùng duyên hải phía ngoài bị cô lập hoàn toàn. Nhiều chuyên gia nghiên cứu núi lửa nhận định vụ phun trào lần này tương đương vụ phun trào núi lửa Pinatubo tại Philippines năm 1991, vụ phun trào núi lửa mạnh thứ hai trong thế kỷ 20, khiến 800 người thiệt mạng.

Các chuyên gia cho biết trước khi phun trào trở lại sau 8 năm, núi lửa  Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai đã nhiều lần phun khí trong khoảng một tháng trước khi magma bên trong dâng cao dần cùng nhiệt độ lên tới 1.000 độ C gặp nước biển và gây ra vụ nổ lớn, tức thời ngày 15/1.

Giới khoa học lo ngại với tốc độ và lực nổ mạnh như vậy nhiều khả năng còn một yếu tố nguy hiểm khác tác động, không phải đơn giản chỉ do magma nóng hàng nghìn độ gặp nước biển lạnh. 

Giáo sư Raymond Cas, chuyên ngành nghiên cứu núi lửa, trường Đại học Monash (Australia), cho rằng rất khó để dự đoán hoạt động tiếp theo của núi lửa và các miệng khác của núi lửa sẽ tiếp tục phun khí cùng nhiều vật chất khác trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tới. Điều này đồng nghĩa có khả năng xảy ra các vụ phun trào khác nhưng có thể không mạnh như vụ ngày 15/1 và chỉ khi nào "xả hết khí", núi lửa mới hoạt động ổn định trở lại.

Lê Ánh (TTXVN)
Australia, New Zealand điều máy bay khảo sát thiệt hại do núi lửa phun trào tại Tonga
Australia, New Zealand điều máy bay khảo sát thiệt hại do núi lửa phun trào tại Tonga

Ngày 17/1, Australia và New Zeland đã huy động các máy bay tuần tra tiến hành các chuyến bay khảo sát để đánh giá thiệt hại do núi lửa phun trào ở Tonga, trong bối cảnh đảo quốc Thái Bình Dương này đã bị cô lập hoàn toàn vì mất điện và đường truyền internet gián đoạn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN