Những chủ đề liên quan đến hội chứng luôn thu hút hàng nghìn người tranh luận trên các ứng dụng truyền thông xã hội như Weibo và Zhihu.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), kết quả khảo sát trên 4.800 sinh viên do nhật báo China Youth Daily thực hiện vào tháng 11/2021 cho thấy có đến 80% trong số các em tin rằng mình bị hội chứng sợ xã hội thể nhẹ. Khoảng 7% cho biết các em có những triệu chứng nghiêm trọng.
Trong khi đó, một nghiên cứu y khoa xuất bản trên tạp chí khoa học PLOS One vào năm 2020 cũng chỉ ra tỷ lệ người mắc những triệu chứng sợ xã hội ở giới trẻ trong 7 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đang gia tăng. Nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ và Canada thực hiện tìm ra ở Trung Quốc, có đến 32% người trẻ trong độ tuổi 16-29 được chẩn đoán mắc chứng sợ xã hội.
Huang Jing, một nhà tâm lý học làm việc tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cho biết việc sử dụng mạng xã hội và xu hướng kết nối kỹ thuật số là những lý do khiến hội chứng sợ xã hội gia tăng.
“Điều khá phổ biến ở thanh thiếu niên ngày nay, những người được cho là ở độ tuổi tò mò và khám phá, thường từ chối ra khỏi nhà hoặc gặp gỡ bất kỳ ai. Đó là một vấn đề toàn cầu khi mạng xã hội thống trị cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng của nó đối với Trung Quốc, đặc biệt là thanh thiếu niên và thanh niên, đang lớn hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Họ quá phụ thuộc vào việc không trò chuyện trực tiếp”, nhà tâm lý học giải thích.
Li Li, một thiếu niên 17 tuổi ở Thượng Hải, cho biết sau một tuần đi học, đến cuối tuần, em ấy luôn ở trong nhà.
“Em có thể nói rất nhiều trên mạng, nhưng khi gặp mọi người ở ngoài, em trở nên ngại ngùng, không biết phải nói gì. Có lẽ vì trò chuyện với mọi người trực tuyến an toàn hơn, ít nhất là người ta không biết bạn là ai”, Li Li chia sẻ.
Theo Ji Longmei - chuyên gia tư vấn tâm lý cấp cao tại Trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần Thượng Hải, một lý do khác khiến tỷ lệ thanh thiếu niên mắc hội chứng sợ xã hội ngày càng tăng tại Trung Quốc là do nhiều thanh niên, sinh ra trong thời đại chính sách một con của Trung Quốc, lớn lên một mình và do đó, được cha mẹ và ông bà bảo vệ quá mức.
“Một mặt, chúng không có anh chị em nào để chơi cùng ở nhà. Mặt khác, các em đang phải đối mặt với kỳ vọng cao hơn từ gia đình về thành tích học tập trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục khốc liệt và do đó, các em sẽ dành phần lớn thời gian sau giờ học để học tập”, nữ chuyên gia lý giải.
“Mẹ của một trong những khách hàng trẻ tuổi của tôi đã kể về con trai bà. Cậu ấy hiện là tiến sĩ nhưng không thể làm việc hoặc hẹn hò với bất kỳ ai vì hội chứng sợ xã hội. Cậu ấy không biết làm gì ngoài việc học cả. Người mẹ lo cho mọi thứ, bao gồm cả buộc dây giày cho cậu ta”, nhà tâm lý Ji nói.
Chuyên gia Ji cho rằng trong xã hội hiện đại, công chúng đã dần nhận thức hơn và quan tâm đến vấn đề sức khỏe. “Khoảng 10-20 năm trước, không một ai bị trầm cảm có thể công khai nói về bệnh tật của mình vì họ cảm thấy rất xấu hổ. Nhưng ngày nay, việc đó được chấp nhận và không một ai cảm thấy tủi hổ vì mình bị trầm cảm, tương tự như với hội chứng sợ xã hội”, chuyên gia Ji kết luận.