Tại phiên thảo luận, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về bạo lực tình dục trong xung đột Pramila Patten nhấn mạnh vấn nạn này vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em gái và bất ổn xã hội. Cách ứng phó hiệu quả nhất là phải ngăn ngừa, song nỗ lực ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực trong xung đột lại đang gặp nhiều thách thức.
Vì thế, việc tìm kiếm giải pháp đòi hỏi phải đặt nạn nhân ở trung tâm, nâng cao khả năng tiếp cận và hiệu quả thực thi pháp luật, mang lại công lý cho nạn nhân và bảo đảm những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng giải quyết gốc rễ vấn đề xoay quanh bất bình đẳng giới, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan toàn cầu.
Phát biểu tại phiên thảo luận, các nước thành viên LHQ khẳng định cam kết ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột; nhấn mạnh cần có cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm như được đề cập trong Nghị quyết 2467 của HĐBA và Báo cáo của Tổng thư ký LHQ về chủ đề này; bảo đảm các nạn nhân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tâm lý; thực thi công lý song song với tăng cường nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới; nâng cao vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội và trong các tiến trình hòa bình. Bên cạnh đó, các y kiến cũng nêu bật sự cần thiết đưa cam kết thành hành động và tăng cường nguồn lực cho các nỗ lực ngăn ngừa, chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan tâm của cộng đồng quốc tế về việc cần có cách tiếp cận toàn diện kết hợp xử lý gốc rễ vấn đề, trong đó cần đặt nạn nhân ở vị trí trung tâm. Để tăng cường nỗ lực phòng ngừa và chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột, Đại sứ Đặng Đình Quý đề xuất ưu tiên thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và tiến trình ra quyết sách. Nỗ lực này đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên liên quan, trong đó các quốc gia giữ vai trò hàng đầu, cùng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm. Các cơ quan LHQ, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn, và các phái bộ có thể tích cực hỗ trợ các quốc gia trong việc bảo vệ và thúc đẩy phát triển, cũng như tăng quyền cho phụ nữ.