Ngày 24/11, Hội đồng Tư pháp tối cao Ai Cập cho rằng tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống nước này Mohamed Morsi là một "đòn tấn công chưa từng có" vào tính độc lập và các phán quyết của hệ thống tư pháp.
Những người biểu tình phản đối hiến pháp mới của Tổng thống Morsi ở quảng trường Tahrir, ngày 23/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Sau một cuộc họp khẩn, các thẩm phán thuộc hội đồng trên bày tỏ lấy làm tiếc về việc Tổng thống Morsi đưa ra một sắc lệnh như vậy. Hội đồng Tư pháp tối cao Ai Cập cũng yêu cầu Tổng thống Morsi không để tuyên bố hiến pháp đụng chạm đến quyền lực tư pháp hay can thiệp vào những vấn đề thuộc hệ thống này.
Trong khi đó, các thẩm phán ở thành phố lớn thứ hai Ai Cập là Alexandria cùng ngày đã thông báo quyết định đình công để phản đối tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Morsi cho đến khi "cuộc khủng hoảng này kết thúc". Các thẩm phán này khẳng định họ không chấp nhận điều gì khác ngoài việc hủy bỏ sắc lệnh này.
Trước đó, tình hình Ai Cập đã đột ngột trở nên căng thẳng sau khi ngày 22/11, Tổng thống Morsi đưa ra một tuyên bố hiến pháp mới, trong đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện), đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống Morsi ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 vừa qua cho đến khi hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra.
Trong khi những người ủng hộ cho rằng động thái này sẽ giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn, thì những người phản đối chỉ trích đó là hành động thâu tóm quyền lực, biến tổng thống trở thành nhà độc tài.
Biểu tình đã lan rộng ở Ai Cập trong ngày 23/11, trong khi dư luận quốc tế cũng nhanh chóng bày tỏ quan ngại về tuyên bố hiến pháp mới này.
TTXVN/Tin tức