Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi ngày 22/11 đã ban hành một tuyên bố hiến pháp mới, đồng thời ra lệnh điều tra và xét xử lại các quan chức trong chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak bị buộc tội sát hại người biểu tình trong cuộc nổi dậy hồi đầu năm ngoái. Động thái bất ngờ này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Morsi thành công trong vai trò trung gian dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza, cũng như trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ và các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại trung tâm thủ đô Cairo.
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Ảnh: Internet. |
Tuyên bố hiến pháp mới quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện), đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống Morsi ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 vừa qua cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra.
Với quyền hạn theo tuyên bố này, Tổng thống Morsi đã sa thải Tổng công tố Abdel Meguid Mahmud, người mà ông không thể phế truất hồi tháng trước, và bổ nhiệm ông Talaat Ibrahim Abdallah) thay thế.
Tối 22/11, Tổng thống Morsi ban hành "Luật bảo vệ Cách mạng ngày 25 tháng Một năm 2011", theo đó khôi phục điều tra các vụ sát hại và âm mưu sát hại những người biểu tình trong cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống Mubarak năm ngoái.
Trong một tuyên bố trên truyền hình, phát ngôn viên Tổng thống Yasser Ali cho biết tất cả các quan chức chế độ cũ bị cáo buộc là thủ phạm trực tiếp hay gián tiếp đều thuộc diện điều tra. Luật trên cũng quy định việc thành lập một cơ quan công tố "bảo vệ cách mạng" trên toàn quốc với thành phần là các thẩm phán có nhiệm kỳ kéo dài nhiều năm.
Trước đó, ngày 17/6 vừa qua, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi ông Mubarak bị lật đổ đã ban hành một tuyên bố hiến pháp bổ sung, theo đó quy định các quyền hạn và nhiệm vụ của các thể chế nhà nước cũng như lực lượng vũ trang cho đến khi có hiến pháp mới.
Ngày 12/8, Tổng thống Morsi sau khi đắc cử đã ban hành một tuyên bố hiến pháp và hủy bỏ tuyên bố của SCAF.
Theo ông Yasser Ali, tuyên bố hiến pháp mới được Tổng thống Morsi ban hành ngày 22/11 nhằm phá hủy cơ cấu tổ chức của chế độ cũ, diệt trừ tham những, bảo vệ đất nước và người dân, đạt được công bằng xã hội. Tuy nhiên, tuyên bố hiến pháp mới này của ông Mơxi đã gây ra những phản ứng trái chiều cũng như các cuộc tranh luận về quyền hạn của Tổng thống và mối quan hệ giữa hành pháp và tư pháp.
Tổ chức Anh em Hồi giáo cho rằng động thái này của Tổng thống Morsi là một "quyết định mang tính cách mạng". Theo ông Abdel-Fattah, một thành viên cấp cao của Tổ chức Anh em Hồi giáo, với tư cách là nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ, Tổng thống Morsi có quyền ra tuyên bố hiến pháp, nhất là khi cơ quan lập pháp bị khuyết. Ông cũng cho rằng tuyên bố hiến pháp đã đáp ứng "nguyện vọng của nhân dân" thể hiện qua nhiều cuộc biểu tình đòi công lý cho những người bị sát hại trong cuộc cách mạng và xét xử những đối tượng chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, các lực lượng đối lập, trong đó có hiệp hội các thẩm phán, cáo buộc tuyên bố của Tổng thống Morsi nhằm bảo vệ các sắc lệnh của ông khỏi bất kỳ phán quyết nào của tòa án là một “cuộc đảo chính hiến pháp” chống lại các quy tắc pháp quyền và tính độc lập của tư pháp.
Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei cảnh báo việc Tổng thống thâu tóm quyền lực "có thể gây ra những hậu quả tàn khốc". Cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arập đồng thời là cựu ứng cử viên tổng thống Amr Moussa tiên đoán sẽ nổ ra các cuộc đụng độ sau khi Tổng thống Morsi sa thải Tổng công tố.
Hơn 30 chính đảng đã lên tiếng kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại quảng trường Tahrir và tất cả các quảng trường khác trên toàn quốc vào ngày 23/11 đòi hủy bỏ Tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Morsi đồng thời yêu cầu chính phủ từ chức, tiến hành xét xử các sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc tham gia sát hại những người biểu tình trong phong trào nổi dậy hồi năm ngoái.
TTXVN/Tin tức