Đề cập về vấn đề Biển Đông, ông Saifuddin đã bày tỏ quan ngại về việc các tàu hải cảnh Trung Quốc ngày càng xuất hiện thường xuyên ở những khu vực gần bờ biển Malaysia, trong lúc quá trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Bắc Kinh đang tiếp tục diễn ra. Theo ông Saifuddin, Bộ Ngoại giao Malaysia sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu hàng hải và mời các quốc gia thành viên ASEAN cùng tham gia.
Ngoài ra, ông Saifuddin cũng đề cập đến hàng loạt vấn đề và thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt. Theo ông, để chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ) vào năm 2020, ASEAN nên tái khẳng định cam kết về giá trị của Hiến chương LHQ. Malaysia đang vạch ra 4 hoạt động chính là cải cách Hội đồng Bảo an LHQ, đẩy mạnh bình đẳng giới hướng tới Bắc Kinh 25+, ủng hỗ sáng kiến của các tổ chức xã hội dân sự và tăng cường các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.
Về vấn đề người Rohingya, Ngoại trưởng Malaysia đề nghị Myanmar tổ chức đối thoại với người tị nạn Rohingya, đặc biệt là những người đang tạm trú ở Cox’s Bazar (Bangladesh), để xây dựng lòng tin, từ đó có thể đảm bảo sự hồi hương một cách tự nguyện, an toàn và nghiêm túc. Malaysia hoan nghênh đề xuất của Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi về việc thành lập đội ngũ chuyên trách các vấn đề về hồi hương người Rohingya.
Về cuộc chiến chống khủng bố, quan chức ngoại giao Malaysia cảnh báo, mặc dù các trùm khủng bố như Abu Bakr al-Baghdadi hay Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt, nhưng các mối đe dọa khủng bố vẫn tồn tại. ASEAN cần tăng cường nỗ lực phù hợp với Kế hoạch hành động của khối nhằm ngăn chặn và đối phó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan. Malaysia sẽ tích cực tham gia thông qua hoạt động của Trung tâm chống khủng bố ASEAN.