Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 1/9, phát biểu khi tháp tùng Tổng thống Joko Widodo kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị Cấp cao ASEAN 43, Ngoại trưởng Retno cho biết nước Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 “thực sự muốn Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới”.
ABIS do Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) năm 2023 - tổ chức từ ngày 1 - 6/9. AIPF lần đầu được tổ chức nhằm triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), trong đó tập trung vào hợp tác giữa các nước nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng.
Bà Retno cho biết: “ASEAN đã có khái niệm AOIP từ năm 2019 và giờ muốn biến Tầm nhìn này thành hợp tác cụ thể”. Thông qua AIPF được tổ chức vào ngày 5-6/9, Indonesia mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển các dự án cụ thể, đặc biệt là trong 3 lĩnh vực cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo; tài chính bền vững và sáng tạo.
Theo thống kê tổng hợp cùng các nước thành viên ASEAN khác, Indonesia ghi nhận nhiều dự án ưu tiên với tổng trị giá khoảng 120 tỷ USD có thể được thúc đẩy thông qua AIPF. Bên cạnh các dự án tiềm năng, Indonesia cũng xác định 93 dự án với tổng trị giá tỷ USD được đánh giá là chín muồi.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho biết thêm rằng, ngoài thúc đẩy hợp tác kinh tế, Chủ tịch ASEAN năm 2023 cũng sẽ đặt nền tảng vững chắc cho các bước đi trong tương lai của ASEAN, bao gồm cách thức giúp tổ chức khu vực này có thể ứng phó với các thách thức khác nhau.
Bà Retno nhấn mạnh: “Nền tảng đó được Indonesia thiết kế để đáp ứng lợi ích của người dân ASEAN”, đồng thời nhắc lại một số văn kiện hợp tác đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 hồi tháng 5 tại Labuan Bajo, như bảo vệ lao động nhập cư, bảo vệ các thuyền viên, xây dựng mạng lưới làng ASEAN, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm lừa đảo trực tuyến.