Các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã nhất trí về một thỏa thuận khí hậu mới sau khi Hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh) kết thúc phiên họp toàn thể hôm 13/11 với một thỏa thuận, trong đó công nhận sự can thiệp của Ấn Độ để thế giới “giảm dần” chứ không phải “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạch. PTI dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Bhupender Yadav, trưởng phái đoàn Ấn Độ tại hội nghị, khẳng định: “Hội nghị thượng đỉnh đã chứng tỏ là một thành công theo quan điểm của Ấn Độ, vì chúng tôi đã nêu rõ và truyền đạt hiệu quả các mối quan tâm và ý tưởng của thế giới đang phát triển một cách khá ngắn gọn và rõ ràng. Ấn Độ đã đưa ra cách thức cho một cuộc tranh luận mang tính xây dựng và các giải pháp công bằng và bình đẳng tại diễn đàn”.
Ông Bhupender Yadav nói thêm rằng thế giới cần thức tỉnh trước thực tế cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay chủ yếu là do lối sống không bền vững và cách tiêu dùng lãng phí ở các nước phát triển gây ra.
Theo ông Yadav, dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã chủ động đi đầu trong việc thành lập các sáng kiến Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA), Liên minh Cơ sở hạ tầng bền vững chống thảm họa (CDRI) và Một mặt trời, Một thế giới, Một lưới điện, như là những ví dụ về hợp tác quốc tế chống lại biến đổi khí hậu. Với việc thực hiện bổn phận của mình, tại hội nghị, Ấn Độ đã yêu cầu thế giới phát triển có các hành động cụ thể trong thập kỷ quyết định này và chuyển hóa các cam kết thành hành động.