Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Trưởng phái đoàn Indonesia tham dự COP26 - Laksmi Dwanthi, nhấn mạnh nước này hoan nghênh Hiệp ước khí hậu Glasgow về đẩy nhanh nỗ lực giảm dần việc sử dụng than đá và các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả. Hiệp ước Glasgow kêu gọi bên tham gia COP26 tiếp tục nỗ lực đạt được mục tiêu trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, trong đó hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C đến 2 độ C.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan cho rằng Chính phủ Indonesia có thể ngừng sử dụng than vào năm 2035 miễn là các cường quốc hỗ trợ về vốn cho Indonesia. Theo ông Luhut, sự hỗ trợ là cần thiết để xây dựng một nhà máy điện năng lượng tái tạo nhằm thay thế nhà máy điện hơi nước sử dụng than đá.
Indonesia đã cam kết thực hiện theo tuyến bố Hiệp định Paris, cụ thể là cắt giảm 29% lượng khí thải một cách vô điều kiện vào năm 2030. Quốc gia này cũng đã thông qua Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và carbon thấp tới năm 2050, cũng như lộ trình chi tiết nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn.