Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các cuộc thảo luận xoay quanh 3 chủ đề quan trọng: nhân lực y tế, thiếu hụt thuốc và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm. Đây là những vấn đề rất quan trọng đối với công dân trên khắp EU, vì có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể và hệ thống y tế của họ.
Các hệ thống y tế tại EU đang phải vật lộn với những thách thức lớn về nhân lực, như thiếu hụt, phân bổ không đồng đều và kỹ năng không phù hợp. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng này, gia tăng áp lực đối với nhân viên y tế. Những nỗ lực để giải quyết các thách thức đòi hỏi hành động phối hợp ở cấp quốc gia, châu Âu và quốc tế. Trong khi các quốc gia thành viên đã thực hiện các chiến lược khác nhau, EU đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và bổ sung cho các sáng kiến. Ví dụ, thông qua các công cụ tài trợ và khuôn khổ pháp lý của EU, có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực và đảm bảo việc dịch chuyển linh hoạt xuyên biên giới của lao động có kỹ năng.
Tại hội nghị, Bỉ đề xuất thảo luận về ý tưởng xây dựng một chiến lược toàn diện về nhân lực y tế của EU, tập trung vào kế hoạch, đào tạo và cải thiện quy định để đáp ứng các nhu cầu ngày càng thay đổi của hệ thống y tế.
Các sáng kiến gần đây ở cả cấp châu Âu và quốc gia nhằm mục đích chống lại tình trạng thiếu hụt thuốc và tăng cường an ninh về nguồn cung. Các biện pháp ngắn hạn tập trung vào việc giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, trong khi các chiến lược trung và dài hạn nhằm mục đích củng cố chuỗi cung ứng và cải thiện cơ chế dự báo. Trong một thông báo từ năm 2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã vạch ra các công cụ và hành động khác nhau để giải quyết tình trạng thiếu hụt thuốc, bao gồm linh hoạt về quy định và thành lập Liên minh Thuốc thiết yếu. Tại hội nghị không chính thức này, các Bộ trưởng Y tế đã thảo luận thêm về các bước tiếp theo để giải quyết vấn đề ở cấp EU, bao gồm hợp tác thông qua Liên minh, dự trữ thuốc, định giá và mua sắm công.
Hiện các bệnh không lây nhiễm (NCDs) đang là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe người dân châu Âu, khi gần 90% tổng số ca tử vong ở châu lục này được cho là do NCDs gây ra. Kế hoạch Đánh bại ung thư của châu Âu (EBCP) đã đưa ra một số sáng kiến để giải quyết các yếu tố rủi ro này, bao gồm các biện pháp giảm hút thuốc lá và rượu bia, đồng thời cải thiện chế độ ăn uống lành mạnh. Thông qua các biện pháp này, EU có thể đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các yếu tố rủi ro. Tuy nhiên, cần có những nỗ lực phối hợp và ý chí chính trị để đảm bảo thực hiện hiệu quả các sáng kiến của EBCP.
Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Y tế EU là cơ hội quan trọng để vạch ra lộ trình cho hành động tập thể trước các thách thức y tế cấp bách nói trên trong những năm tới. Hội nghị đã chứng minh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các thách thức y tế toàn cầu: Các quốc gia châu Âu chỉ có thể thành công trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân nếu họ hợp tác với nhau.