Phát biểu với báo giới ngày 20/4 sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thủ đô Washington diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne cho biết trong khi có sự nhất trí mạnh mẽ về những lợi ích của thương mại thì vẫn có một số ý kiến trái chiều về vai trò của chủ nghĩa đa phương. G20 coi thương mại là một yếu tố đánh giá các điều kiện kinh tế, song không đưa ra biện pháp cụ thể nào để giải quyết các tranh chấp thương mại. Vì vậy, theo ông Dujovne, G20 cần nhận ra những hạn chế của mình.
Bên cạnh đó, cuộc họp cũng đề cập tới nhiều vấn đề đang "nóng" ở thế giới như việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến ở Mỹ và châu Âu có thể gây ảnh hưởng tới các thị trường tài chính, dẫn tới mất cân bằng tài chính cũng như các nguy cơ địa chính trị như cuộc xung đột ở Syria.
Do không thể thống nhất ý kiến về chủ nghĩa đa phương cũng như thương mại, nên các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 không thể đưa ra được tuyên bố chung.
G20 bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Argentina giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2018.